Tìm giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn vùng ven biển
Bên cạnh các hiện tượng thiên tai như ngập lụt, sạt lở bờ sông hay bờ biển, thì hạn hán, xâm nhập mặn đang là vấn đề đáng quan tâm tại Phú Yên. Do vậy, việc xây dựng cơ sở khoa học để tìm các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn phục vụ phát triển KT-XH vùng ven biển Phú Yên là hết sức cần thiết trong thời gian đến.
![Xây dựng hạ tầng kênh mương dẫn nước về ruộng ở huyện Phú Hòa nhằm hạn chế xâm nhập mặn. Ảnh: LỆ VĂN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_445_51496012/e4bb6d6c4022a97cf033.jpg)
Xây dựng hạ tầng kênh mương dẫn nước về ruộng ở huyện Phú Hòa nhằm hạn chế xâm nhập mặn. Ảnh: LỆ VĂN
Là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Phú Yên có đường bờ biển dài 189km, có nhiều tiềm năng và lợi thế riêng. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế do vị trí địa lý ven biển mang tới, thì đây cũng là hướng phải nhận nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ, sạt lở cửa sông, triều cường và đặc biệt là xâm nhập mặn trên các dòng sông…
Hiện tượng xâm nhập mặn
Theo TS Hoàng Thanh Sơn, Viện Địa Lý (Viện KH&CN Việt Nam), xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn (nồng độ mặn 4‰) xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt.
Nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn là quá trình nước biển lấn sâu vào đất liền qua cửa sông do ảnh hưởng của hiện tượng thủy triều làm cho nước sông bị nhiễm mặn. Hiện tượng này thường xảy ra ở các khu vực ven biển còn gọi là vùng giao thoa giữa sông và biển, nơi có sự thay đổi trong mức nước biển, lượng mưa, hoặc sự can thiệp của con người.
Đây là quá trình thay thế nước ngọt trong các sông ở ven biển bằng nước mặn do sự dịch chuyển của khối nước mặn vào các khu vực nước ngọt và là sự tích tụ của muối hòa tan của Natri, Magiê và Canxi trong nước làm giảm khả năng sử dụng của nước.
Bên cạnh đó, xâm nhập mặn là vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều chính quyền địa phương, vấn đề này đã được nỗ lực giải quyết trong bối cảnh đang diễn ra biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tăng nhiệt độ, khai thác nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển, những nguyên nhân này đang làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn.
Theo ông Trần Công Danh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, thời gian qua, việc tìm kiếm các giải pháp xâm nhập mặn được nhiều nhiệm vụ KH&CN đề cập nghiên cứu nhưng mới được coi là một yếu tố phục vụ đánh giá tài nguyên nước hầu như chưa ít nghiên cứu về xâm nhập mặn của vùng ven biển gắn với địa bàn hành chính tỉnh. Các kết quả đưa ra mang tính đơn lẻ, rời rạc trong các báo cáo đánh giá, đề tài nghiên cứu có liên quan..., chưa gắn kết với quá trình phát triển KT-XH.
Trong khi đó, về cơ sở dữ liệu thì các bản đồ ranh giới mặn thường được xây dựng theo các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai, mà chưa xem xét đến kịch bản phát triển KT-XH. Tác động của xâm nhập mặn đối với các hệ sinh thái cửa sông ven biển cũng không thể bị đánh giá thấp, vì đây là môi trường sống quan trọng cho nhiều loại thực vật và động vật chỉ có thể tồn tại trong một giới hạn độ mặn nhất định.
“Nguồn nước phục vụ các hoạt động KT-XH được cung cấp từ hệ thống các sông lớn thuộc địa bàn tỉnh như sông Ba, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Lộ đều được bắt nguồn từ vùng núi phía Tây và đổ trực tiếp ra biển tạo nên hiện tượng mặn xâm nhập vào sông.
Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng rõ nét hiện nay cũng như việc sử dụng nước phục vụ phát triển KT-XH ngày càng gia tăng trên lưu vực nên nước biển ngày càng vào sâu trong lục địa thông qua các cửa sông (Đà Nông, Đà Diễn, Tiên Châu), tác động trực tiếp đến nguồn nước ngọt khai thác hiện tại.
Do đó, việc nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và dự báo xâm nhập mặn nhằm chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó như chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước là rất cần thiết”, ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho biết.
![Người dân ở huyện Tuy An dùng máy bơm nước ao hồ lên ruộng để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: LỆ VĂN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_445_51496012/d4235ef473ba9ae4c3ab.jpg)
Người dân ở huyện Tuy An dùng máy bơm nước ao hồ lên ruộng để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: LỆ VĂN
Tìm giải pháp ứng phó
Trước yêu cầu khoa học và thực tiễn như vậy, mới đây, Viện Địa lý đề xuất thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng cơ sở khoa học cho các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn phục vụ phát triển KT-XH vùng ven biển tỉnh Phú Yên”. Qua xem xét hồ sơ, năng lực và yêu cầu đặt hàng nhiệm vụ của tỉnh, hội đồng tuyển chọn KH&CN cấp tỉnh đã thống nhất chọn và giao Viện Địa lý chủ trì thực hiện, TS Hoàng Thanh Sơn làm chủ nhiệm.
Theo TS Hoàng Thanh Sơn, mục tiêu chính của đề tài này là đưa ra được các giải pháp ứng phó phù hợp với thực trạng xâm nhập mặn hiện nay cũng như trong tương lai phục vụ công tác quản lý nguồn nước của các cấp có thẩm quyền cũng như chủ động khai thác phục vụ sản xuất đời sống của các hộ dùng nước.
Các sản phẩm của đề tài là một bộ cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và ban hành chính sách như mục tiêu đề ra trong kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Thời gian đến, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến xâm nhập mặn vùng ven biển Phú Yên, tập trung vùng cửa sông Kỳ Lộ, sông Ba, sông Bàn Thạch; đo đạc bổ sung số liệu độ mặn, địa hình lòng sông, mặt đất vùng ven biển phục vụ tính toán mô phỏng xâm nhập mặn.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu phân tích nguyên nhân, đánh giá thực trạng xâm nhập mặn khu vực ven biển Phú Yên, cũng như thiết lập mô hình mô phỏng xâm nhập mặn và dự báo diễn biến theo các kịch bản phát triển KT-XH đến năm 2030, 2050 và kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó xâm nhập mặn phục vụ phát triển KT-XH vùng ven biển tỉnh Phú Yên…
Chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá hiện trạng và dự báo xâm nhập mặn vào các cửa sông chính theo các kịch bản biến đổi khí hậu, phát triển KT-XH vùng ven biển tỉnh Phú Yên. Mặt khác thiết lập mô hình mô phỏng xâm nhập mặn trên các sông chính theo hiện trạng và kịch bản; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ về xâm nhập mặn trên sông vùng ven biển và đề xuất hệ thống quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn. Đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp ứng phó xâm nhập mặn vùng ven biển tỉnh Phú Yên.
TS Hoàng Thanh Sơn, Viện Địa lý (Viện KH&CN Việt Nam)