Đề xuất chưa xử phạt tài xế qua kiểm tra thiết bị giám sát hành trình

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị chưa xử phạt từ khai thác dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình cung cấp đối với tài xế vượt quá thời gian lái xe quy định.

Theo quy định, xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, thiết bị giám sát hành trình chỉ là “điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” với mục đích chính là cung cấp dữ liệu phục vụ công tác quản lý, giám sát của doanh nghiệp vận tải và quản lý nhà nước của cấp Sở GTVT trong hoạt động vận tải.

Tuy nhiên, Điều 67, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) cho phép cảnh sát giao thông được sử dụng nhiều biện pháp để phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, luật cho phép cảnh sát giao thông được khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; tiếp nhận dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe.

Nghị định 168/2024 cũng bổ sung việc xử phạt các hành vi vi phạm được phát hiện từ khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Điều này khiến nhiều tài xế lo ngại sẽ dính án phạt vi phạm thời gian làm qua thiết bị giám sát hành trình. Bởi theo quy định, tài xế không được làm việc liên tục quá 4 tiếng và không quá 48 tiếng/tuần.

Đề xuất chưa xử phạt tài xế thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: N. Huyền

Đề xuất chưa xử phạt tài xế thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: N. Huyền

Tài xế Nguyễn Văn Hưng cho biết, nếu cảnh sát giao thông xử phạt tài xế làm việc quá thời gian qua thiết bị giám sát hành trình thì cả tài xế lẫn doanh nghiệp sẽ dính phạt mà không chính xác.

Theo đó, xe chạy từ Mỹ Đình đi Việt Trì, phải vượt qua đoạn đường trong nội đô. Nếu chẳng may xảy ra ùn tắc, xe di chuyển chậm nhưng vẫn bị tính giờ làm việc. Hay trên những tuyến cao tốc nếu xảy ra ùn tắc, tài xế không kịp đến các trạm dừng nghỉ trong 4 tiếng để đổi lái mà kiểm tra trên thiết bị giám sát hành trình sẽ bị phạt.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh, trước đây các nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ không xử phạt đối với người lái xe và không sử dụng kết quả khai thác từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tại Nghị định 168, lại quy định xử phạt với các hành vi vi phạm từ khai thác dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình cung cấp đối với người điều khiển ô tô và chủ phương tiện vi phạm.

“Việc bổ sung quy định về chế tài và nâng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình theo Luật Trật tự an toàn giao thông đối với lái xe và chủ xe có thay đổi rất lớn và phạm vi rộng cả về đối tượng và hành vi vi phạm. Việc này cần phải có thời gian tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng chịu tác động”, ông Quyền kiến nghị.

Ngoài ra, ông Quyền cũng kiến nghị, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình cũng cần tính đến độ chính xác từ dữ liệu thu được do thiết bị giám sát hành trình cung cấp. Bởi những dữ liệu này đôi khi có sai số do chất lượng thiết bị, điều kiện đường truyền, mạng viễn thông, thời tiết, địa hình, vật chất che khuất và tình trạng tổ chức giao thông.

Ông Quyền cho rằng, nếu căn cứ vào thời gian làm việc của lái xe qua thiết bị giám sát hành trình thì cơ quan chức năng cần phải tính đến các khoảng thời gian chuẩn bị như: Khởi động máy, bơm dầu, lấy hàng, chờ thủ tục, lệnh xuất phát, tắc đường nhiều giờ, nhiều đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ để cho xe và lái xe nghỉ… Theo đó, nếu tính cả thời gian cho những công việc, tình huống này thì nhiều tài xế bị “phạt oan” vì vượt quá 4 giờ lái xe liên tục.

Trước thực trạng này, mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp. Trong đó, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng chưa xử phạt các hành vi vi phạm từ khai thác dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình cung cấp đối với người điều khiển ô tô và chủ phương tiện vượt quá thời gian lái xe quy định.

“Cơ quan chức năng chỉ xử phạt doanh nghiệp có các hành vi vi phạm liên quan đến lắp đặt, quản lý, sử dụng, khai thác thiết bị giám sát hành trình trên ô tô kinh doanh vận tải mà không xử phạt đối với tài xế”, ông Quyền thông tin.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-chua-xu-phat-tai-xe-qua-kiem-tra-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-2373062.html
Zalo