Ưu tiên nguồn lực nâng cấp công trình thủy lợi

Thời gian qua, việc đầu tư, nâng cao năng lực các công trình thủy lợi được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn sản xuất, đời sống dân sinh. Tuy nhiên vẫn còn một số công trình xuống cấp cần cải tạo, sửa chữa để đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.

Nhiều công trình được đầu tư

Những năm gần đây, từ các nguồn kinh phí hỗ trợ, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hướng hiện đại, phục vụ đa mục tiêu. Nổi bật là Trạm bơm cống Chản, xã Yên Sơn và Trạm bơm Khám Lạng (Lục Nam) vừa được đầu tư xây dựng, nâng cấp với công suất lớn. Tại thời điểm bão số 3 xảy ra tháng 9/2024, nước sông Lục Nam nhiều giờ duy trì ở mức trên báo động số 3 song các công trình này vẫn giữ an toàn, bảo đảm năng lực chống lũ. Khi lũ qua đi, các công trình tiếp tục khẳng định hiệu quả tưới, tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên diện tích lớn thuộc lưu vực các xã Khám Lạng, Bắc Lũng, Yên Sơn và lâu dài hơn là tiêu nước cho vùng sản xuất công nghiệp, phi nông nghiệp.

 Tuyến kênh ở thôn Trung Sơn, xã Đức Giang (thành phố Bắc Giang) được cứng hóa.

Tuyến kênh ở thôn Trung Sơn, xã Đức Giang (thành phố Bắc Giang) được cứng hóa.

Ngoài hai công trình trên còn nhiều công trình khác được bố trí kinh phí tu bổ, nâng cấp như: Trạm bơm Tân Tiến, Trạm bơm Thanh Cảm (thành phố Bắc Giang), Trạm bơm Trúc Núi (thị xã Việt Yên). Nhận thức rõ vai trò quan trọng của hệ thống thủy lợi đối với sản xuất, hằng năm, các địa phương quan tâm lồng ghép các nguồn vốn sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ.

Theo Phòng Dân tộc huyện Sơn Động, 3 năm qua, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương ưu tiên nguồn lực tu bổ, nâng cấp 28 hồ chứa, kênh mương với kinh phí gần 14 tỷ đồng. Tại các xã được đầu tư như: Vân Sơn, Thanh Luận, Tuấn Đạo, Hữu Sản đã giảm dần diện tích canh tác phụ thuộc nước trời sang tưới tiêu chủ động, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung.

Ở một số địa phương khác mỗi năm cũng bố trí từ 10-20 tỷ đồng cải tạo, duy tu kênh mương, hồ, đập, tạo thuận lợi cho bà con xây dựng vùng sản xuất tập trung, nâng cao năng suất cây trồng. Trước đây, các tuyến kênh tưới trên địa bàn xã Đức Giang (thành phố Bắc Giang) nhỏ hẹp, xuống cấp. Do chưa được cứng hóa nên nước từ trạm bơm đưa về bị thất thoát nhiều, các thửa ruộng ở cuối vùng không đủ nước tưới. Nhằm cải thiện tình trạng này, từ nguồn vốn cấp trên hỗ trợ, năm 2023, xã bố trí kinh phí cùng với huy động sức dân tập trung cải tạo, nâng cấp 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 2,1 km, tổng kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng.

Kênh được đưa vào sử dụng đã giảm thất thoát nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại các thôn Trung Sơn, Đường, Thượng, Hạ, Tiên La, Bến Ngự Cả. Ông Lại Xuân Nam, Bí thư Chi bộ thôn Trung Sơn, xã Đức Giang chia sẻ: "Quá trình thi công, chúng tôi thuê thiết kế kỹ thuật, kết hợp triển khai trên làm đường, dưới làm kênh đồng bộ. Cùng đó, vận động bà con hiến 750 m2 đất sản xuất để mở rộng lòng kênh, thực hiện mục tiêu kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng. Các công trình phát huy hiệu quả, phục vụ cho 73 ha lúa và hoa màu. Bà con tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thâm canh 2-3 vụ/năm. Năm vừa qua, giá trị sản xuất đất canh tác bình quân đạt 145 triệu đồng/ha, tăng từ 15-20% so với trước khi có kênh cứng”.

Lồng ghép các nguồn vốn, phát huy hiệu quả công trình

Trên địa bàn tỉnh có 1,3 nghìn công trình thủy lợi. Trong đó có 274 hồ chứa nước, 203 đập dâng lớn, nhỏ, 823 trạm bơm. Cùng đó, toàn tỉnh có gần 8 nghìn km kênh mương tưới, tiêu. Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dù đã được quan tâm đầu tư song qua kiểm tra, rà soát mới đây vẫn còn không ít trạm bơm, tuyến kênh trải qua hàng chục năm vận hành nên nhiều hạng mục đã xuống cấp. Trong số này có 7 công trình lớn như các trạm bơm: Cống Bún, Yên Tập, Thái Sơn 3, Tư Mại (thành phố Bắc Giang), Quang Biểu, Việt Hòa (thị xã Việt Yên), Ngọ Khổng 2 (Hiệp Hòa). Tại những công trình này nếu không được đầu tư cải tạo sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực vận hành.

Trên địa bàn tỉnh có 1,3 nghìn công trình thủy lợi. Trong đó, 274 hồ chứa nước, 203 đập dâng lớn, nhỏ, 823 trạm bơm. Toàn tỉnh có gần 8 nghìn km kênh mương tưới, tiêu.

Hiện toàn tỉnh vẫn còn hàng nghìn km kênh mương là kênh đất, thường xuyên bị sạt lở, bồi lắng gây ách tắc dòng chảy. Như tại thôn Trại Trầm, xã Tam Dị (Lục Nam) do nằm ở vị trí hẻo lánh, địa bàn không có ao, hồ, trạm bơm dẫn nước về đồng nên suốt nhiều tháng qua, thời tiết khô hạn, lòng kênh trơ đáy, nông dân mỏi mòn chờ nước và chưa thể canh tác vụ chiêm xuân. Ở xã Dương Hưu (Sơn Động), người dân thôn Bán cũng phản ánh sản xuất gặp khó khăn do không chủ động được nước tưới. Còn ở các xã Việt Tiến, Hương Mai, Trung Sơn (thị xã Việt Yên), tuyến kênh N3 dài 21 km là kênh đất nhiều năm chưa được cải tạo, nâng cấp, bị bồi lắng khiến dòng chảy thường xuyên bị ách tắc.

Theo ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện trạng nhiều công trình thủy lợi xuống cấp tồn tại nhiều năm qua chủ yếu do thiếu nguồn lực đầu tư. Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình cấp bách, gần khu công nghiệp, dân sinh và đô thị. Đồng thời đề nghị các địa phương dành kinh phí tu sửa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ thuộc phạm vi quản lý.

Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để phát huy giá trị sử dụng thì khi xây dựng công trình nên tính toán bảo đảm phù hợp với quy hoạch, đầu tư có trọng điểm, tránh tình trạng có kênh mương mà không có nước hoặc nước từ trạm bơm về đến kênh chính mà đồng ruộng vẫn khô cạn do ách tắc dòng chảy. Quan tâm lồng ghép các nguồn lực từ vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án tài trợ và vận động Nhân dân đóng góp. Ở những nơi có công trình mới được cải tạo, cơ quan chủ quản, người dân cần chú trọng bảo vệ, quản lý, vận hành, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg2/kinh-te/uu-tien-nguon-luc-nang-cap-cong-trinh-thuy-loi-postid413035.bbg
Zalo