Tìm giải pháp kiểm soát tăng huyết áp và các bệnh lý nguy hiểm liên quan
Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thành tựu nghiên cứu, kinh nghiệm trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh lý tim mạch, thận, chuyển hóa và đặc biệt là tăng huyết áp.
Sau thành công của Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ VI, ngày 5/4, tại Cần Thơ, Liên Chi Hội Tăng huyết áp ĐBSCL phối hợp với Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam/Hội Tim mạch học Việt Nam và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Hội nghị tăng huyết áp ĐBSCL lần thứ I, với chủ đề “Tim mạch – Thận – chuyển hóa và tăng huyết áp”. Hội nghị là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thành tựu nghiên cứu, kinh nghiệm trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh lý tim mạch, thận, chuyển hóa và đặc biệt là tăng huyết áp.

Hội nghị quy tụ khoảng 1.500 đại biểu, trong đó có sự tham gia của các GS, PGS, TS, BS cả nước cùng các chuyên gia quốc tế đến từ Châu Âu.
Với 4 hội trường, 24 phiên chuyên đề và 92 bài báo cáo, khoảng 1.500 đại biểu, trong đó có sự tham gia của các GS, PGS, TS, BS cả nước cùng các chuyên gia quốc tế đến từ Châu Âu trao đổi, học hỏi và nâng cao năng lực chuyên môn ở các nội dung chuyên sâu, như: Cập nhật khuyến cáo mới về chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực tim mạch, thận, chuyển hóa và tăng huyết áp năm 2025; Bệnh đồng mắc và các biến chứng nghiêm trọng của tăng huyết áp, như bệnh mạch vành, bệnh thận mạn, đột quỵ não, suy tim, và rối loạn nhịp tim; Cập nhật các kỹ thuật tiên tiến và thuốc mới trong điều trị tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa; Ứng dụng hình ảnh học trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tim mạch, thận, chuyển hóa và tăng huyết áp;…
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam khẳng định, sự đồng thời thường xuyên của bệnh Tim mạch, bệnh thận mãn tính và các yếu tố nguy cơ chuyển hóa như đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu đã làm nổi bật những thách thức đáng kể về sức khỏe và chi phí chữa trị trong tương lai: "Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ hội chứng Tim - Thận - Chuyển hóa giai đoạn đầu tiên là 21,1% tại Hàn quốc, tại Hoa kỳ là 3,2%, giai đoạn 4 (giai đoạn nặng) tại Hàn quốc là 2,8 %, tại Hoa Kỳ là 9,2% - điều này cho thấy có sự khác nhau giữa các khu vực.
Tại Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về hội chứng Tim-Thận-Chuyển hóa của toàn dân nhưng với tỉ lệ tăng huyết áp toàn dân ở người trên 18 tuổi là 32%, đái tháo đường 7.3%, bệnh thận mạn là 16%, cho thấy tầm quan trọng của hội chứng Tim - Thận - Chuyển hóa. Do vậy, Hội nghị này nhằm mục đích tăng cường các chiến lược đa ngành, đa chuyên khoa để phân tầng rủi ro, phòng ngừa và quản lý các bệnh lý tim mạch".

Các chuyên gia y tế Châu Âu tham gia trao đổi và cập nhật các kỹ thuật tiên tiến, thuốc mới trong điều trị tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị, Chương trình Tháng Năm đo huyết áp – MMM 2025 (MMM viết tắt của từ May Measurement Month) đã được phát động. Theo báo cáo của Trường Đại học Y dược Cần Thơ, thông qua chương trình Tháng Năm đo huyết áp – MMM 2024 , qua khảo sát 1.066 người trưởng thành tại các khu vực ở Cần Thơ, tỷ lệ tăng huyết áp là 28,9% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc tăng huyết áp càng cao. Do vậy, năm nay, chương trình triển khai tại ĐBSCL tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về việc kiểm tra, kiểm soát huyết áp hiện nay.