Chợ thiệp

Những ngày này, khi đi ngang khu vực Nhà thờ Đức Bà, không khí vẫn sôi động, du khách vẫn đông đảo nhưng lại thiếu đi một chút hương vị xưa.

Đó là vắng đi chợ thiệp nằm ở các con đường bên hông Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TPHCM. Trước đây, người thành phố thường phải ghé ít nhất một vài lần trong năm. Nó thuộc về thói quen, về lối sống và văn hóa của người dân TPHCM.

Người thành phố trước đây có thói quen gửi thiệp Giáng sinh, thiệp năm mới, thiệp chúc mừng sinh nhật, chúc mừng công thành danh toại... cho bạn bè, người thân. Gần thì trao tay, xa thì nhờ bưu điện. Cánh thiệp là cách biểu hiện tình thân, là cách kết nối và quan tâm lẫn nhau.

Nó như một nhắc nhở, một cách gián tiếp nói rằng tôi vẫn bình an và tôi đang nhớ tới bạn. Những lời cầu chúc tốt đẹp tôi viết gửi trong tấm thiệp là tấm lòng của tôi gửi cho bạn. Nó đáng quý biết chừng nào.

 Khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà, nơi từng là chợ thiệp của thành phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà, nơi từng là chợ thiệp của thành phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Người nhận được những tấm thiệp sẽ cất kỹ thiệp trong ngăn kéo, hoặc sẽ được treo lên cây thông Noel hay cây mai, cây đào ngày tết, để bên chiếc bánh sinh nhật hay cất trang trọng trong tủ kính. Nó vừa để trang trí, vừa để nói lên rằng bạn đang có mặt ở đây, đang cùng chia sẻ với tôi niềm vui hạnh phúc. Và có thể một lúc nào đó, vô tình nhìn tấm thiệp, lại nhớ người bạn cũ, nhớ kỷ niệm của chúng ta.

Những năm tháng còn đi học, lang thang lựa mua thiệp là một thú vui. Người nhận khác nhau, những tấm thiệp và lời chúc bên trong cũng khác nhau. Nhất là gửi thiệp cho người mình yêu thích, với tôi là thứ khó khăn vô cùng. Phải cân nhắc, phải thận trọng khi viết từng câu, từng chữ. Tới lúc đưa, lúc gửi thiệp cũng hồi hộp. Và rồi nhận lại cũng… hồi hộp!

Cuộc sống giờ đã thay đổi rất nhiều. Có nhớ tới nhau, người ta chỉ mở điện thoại, gửi vài tấm hình, câu chúc, thế là xong! Quá tiện lợi và dễ dàng. Dễ tới mức như trả nợ. Người gửi cho có, người nhận thờ ơ. Chẳng ai quan tâm tới cái đẹp vô hồn của tấm thiệp và những lời chúc sáo ngữ trong đó. Tất cả chỉ còn mang tính hình thức. Không phải ngẫu nhiên có người cho rằng cái tiện dụng vô tình đã làm mất đi sự rung động, làm mất đi một thứ văn hóa đáng yêu và đầy thi vị.

Giờ chỗ bán thiệp đã không còn nhiều. Với người hay hoài niệm chuyện xưa như tôi, mỗi lần có dịp về thành phố, lại lặng lẽ đi tìm mua vài tấm thiệp. Cái để tặng chính mình, và những cái còn lại dành tặng cho… kỷ niệm!

Hôm tết vừa rồi, tôi tình cờ tìm được một tấm thiệp trong nhà sách với hình ảnh cô gái mặc áo dài cùng cành mai vàng rực rỡ. Lòng lại nhớ về câu ca “Có cô con gái nhà ai/Mẹ cho mặc chiếc áo dài đón Xuân…”. Một thoáng cảm giác nhẹ nhàng, ngọt ngào trong một ngày nắng đẹp đầu xuân, trước khi lại phải bước vào những bất trắc và âu lo thường nhật…

Ngô Đình Hải

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cho-thiep-post789387.html
Zalo