Tìm động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp Việt trên thị trường F&B đầy khắc nghiệt

Biến động khó lường của thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) với tính đào thải cao, cạnh tranh đầy khắc nghiệt, đang buộc các doanh nghiệp Việt có hướng đi phù hợp để giữ vững vị thế 'sân nhà' và tìm động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới. Nhất là cần củng cố thị phần (kể cả việc thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập), linh hoạt chiến lược bán hàng, nhạy bén trước thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đầu tư vào công nghệ số...

Mới đây, qua liên hệ với công ty F&B lớn của Nhật Bản, ông Taku Tanaka, Tổng giám đốc của Kamereo (nhà cung cấp thực phẩm và hàng hóa dành cho các doanh nghiệp F&B), cho biết các công ty này đang cân nhắc mở 50 đến 100 cửa hàng trong vòng mười năm tới vì có niềm tin lâu dài vào thị trường F&B Việt Nam.

hội giữ vững vị thế “sân nhà”

Theo ông Tanaka, triển vọng cho các doanh nghiệp (DN) F&B vẫn khá tích cực. Mặc dù thị trường có những khó khăn ngắn hạn tùy thuộc vào từng địa điểm cụ thể, nhưng vẫn thấy tiềm năng lớn trong dài hạn.

Trước thay đổi hành vi của người tiêu dùng đòi hỏi các DN nội địa trong ngành F&B cần nhạy bén và thích ứng tốt hơn nữa.

Trước thay đổi hành vi của người tiêu dùng đòi hỏi các DN nội địa trong ngành F&B cần nhạy bén và thích ứng tốt hơn nữa.

Chia sẻ nêu trên là điều mà các DN nội địa trong ngành hàng F&B cần tham khảo thêm để có chiến lược riêng cho mình. Nhất là khi có nhiều thương hiệu F&B ngoại nhộn nhịp đến Việt Nam mở chuỗi nhưng cũng phải chấp nhận quy luật cạnh tranh khắc nghiệt, thậm chí gần đây có những tên tuổi lớn phải thu hẹp hoạt động hoặc rời cuộc chơi.

Điển hình là chuỗi đồ ăn nhanh McDonald's đã chính thức đóng cửa chi nhánh Bến Thành ở quận 1 (Tp.HCM) trong trung tuần tháng 9/2024 và hiện chỉ còn 36 cửa hàng trên toàn quốc (so với mục tiêu 100 cửa hàng thì chỉ đạt được khoảng 1/3). Còn tháng 8/2024, chuỗi cà phê cao cấp Starbucks đã chính thức đóng cửa điểm bán có tên Reserve Hàn Thuyên (quận 1, Tp.HCM) sau 7 năm hoạt động.

Hoặc như hồi năm ngoái, Auntie Anne's (một thương hiệu F&B đã có mặt tại hơn 30 quốc gia thông qua mạng lưới gần 2.000 cửa hàng) đã ngừng hoạt động tất cả cửa hàng tại Việt Nam. Trước đó nữa, có Subway (thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ) gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2010 nhưng đến nay đã rút khỏi hoàn toàn thị trường F&B Việt Nam do không tìm hiểu kỹ thị trường, thói quen của người tiêu dùng và không linh hoạt thay đổi menu sản phẩm.

Hay như trên thị trường trà sữa Việt đang cho thấy một số thương hiệu ngoại của Đài Loan (Trung Quốc), Singapore như Gong Cha, Koi Thé, TocoToco, Ding Tea, Bobapop…vốn từng “làm mưa, làm gió” nhưng đang có dấu hiệu lép vế, doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ trước sự trỗi dậy, chiếm lĩnh thị phần của một số thương hiệu trà sữa Việt.

Và trong bối cảnh như vậy, điều mong đợi là các DN nội địa trong ngành hàng F&B cần tận dụng cơ hội để giữ vững vị thế trên “sân nhà”, có chiến lược thông minh, nắm bắt tốt thị hiếu người tiêu dùng, kinh doanh hiệu quả.

Đáng chú ý, trong khảo sát mới công bố của Vietnam Report vào tháng 9/2024, đó là sự lạc quan của các DN về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh, với tỷ lệ tăng từ 61,6% lên 87,6%. Sự lạc quan này là hoàn toàn hợp lý khi các số liệu từ Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% vào năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi mà tính chất thị trường F&B có tính đào thải cao, cạnh tranh đầy khắc nghiệt thì điều mà các DN Việt cần làm là nên có hướng đi phù hợp để tìm động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Theo đó, họ không chỉ cần củng cố thị phần hiện có mà nên tích cực mở rộng sang những thị trường mới. Mặt khác, việc thực hiện những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) cũng là bước đi cần thiết cho các DN nội địa mở rộng thị phần, củng cố vị thế trước các thương hiệu ngoại.

Điển hình mới nhất là trong tháng 9/2024, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) đã hoàn tất các thủ tục đầu tư để sở hữu 51% cổ phần vào CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods) - một trong các hãng kem lớn nhất Việt Nam. Điều đó hứa hẹn sẽ giúp cho hãng sữa nội địa này mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trên thị trường F&B, đặc biệt là ở phân khúc giới trẻ và người trưởng thành.

Nhạy bén trước thay đổi hành vi của người tiêu dùng

Như thống kê của Euromonitor, doanh số Kido Foods tăng trưởng ấn tượng theo từng năm, nắm giữ trên 40% thị phần từ năm 2019 cho đến nay, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt của nhiều “ông lớn” khối nội lẫn khối ngoại.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood, cho biết “thương vụ” này cũng cho phép Nutifood làm chủ một hệ thống phân phối ngành hàng đông lạnh với hàng trăm nghìn tủ kem bao phủ rộng khắp từ điểm bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại cho đến nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí,…trên cả nước. Đó cũng là nền tảng cần thiết giúp công ty mở rộng lĩnh vực ngành hàng đông lạnh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo của Vietnam Report, có 72,2% DN ngành F&B tham gia khảo sát cho rằng sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là một trong những khó khăn lớn nhất trong năm nay. Tỷ lệ này đã gia tăng mạnh từ 37,5% vào năm 2022 lên 75% vào năm 2024.

Theo đó, người tiêu dùng trên thị trường F&B Việt hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả hay chất lượng sản phẩm mà còn đặt nặng yếu tố bền vững, an toàn cho sức khỏe và trách nhiệm xã hội của DN. Họ có xu hướng ưu tiên các sản phẩm xanh, hữu cơ, và có nguồn gốc rõ ràng.

Cho nên, điều cần làm cho khối nội để tìm động lực tăng trưởng mới là phải thích ứng tốt, nhạy bén trước xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt. Để làm được điều này, như chia sẻ của ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), phía DN phải cố gắng không ngừng đổi mới sáng tạo, liên tục cải tiến để cho ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, tạo ra những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng, chú tâm nhiều hơn vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D).

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường truyền thống đang dần bão hòa, thương mại điện tử được đánh giá là tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng, giúp các DN nội địa trong ngành F&B vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội mới trong năm 2024 và các năm tới. Sự phổ biến của thương mại điện tử và xu hướng mua sắm trực tuyến đang làm thay đổi cách thức tiếp cận sản phẩm trên thị trường F&B. Điều này buộc các DN Việt phải đầu tư vào kênh bán hàng số hóa để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Nhìn chung, sự thay đổi liên tục trong sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng Việt đang đòi hỏi khối DN nội địa phải linh hoạt, liên tục đổi mới và cập nhật chiến lược để đáp ứng kỳ vọng của thị trường F&B. Song song đó, khi mà lĩnh vực này đối mặt với những thách thức mới về cạnh tranh đầy khắc nghiệt và xu hướng tiêu dùng mới, việc đầu tư vào công nghệ số sẽ giúp cho khối nội tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thay đổi trên thị trường.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tim-dong-luc-tang-truong-moi-cho-doanh-nghiep-viet-tren-thi-truong-f-b-day-khac-nghiet-1102585.html
Zalo