Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một 'điểm sáng,' một 'trụ cột' trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 30/10/2024, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng”, là một “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội được nâng lên, tạo sự thống nhất trong hành động, qua đó huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, miền; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, qua đó ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách an sinh xã hội, minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác tín dụng chính sách xã hội còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Nguồn vốn chưa thực sự đa dạng; chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn ủy thác tại một số địa phương, nguồn vốn có nguồn gốc từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn. Hiệu quả tín dụng ở một số vùng, địa phương còn thấp, tỉ lệ nợ quá hạn cao. Quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, chưa gắn kết với mô hình, dự án liên kết theo chuỗi, thiếu sự hỗ trợ đầu ra ổn định, bền vững. Việc chuyển đổi số của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế.
Bối cảnh tình hình mới, nhất là những tác động phức tạp, khó lường của các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cùng với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.
Thứ hai, nâng cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội...
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội theo hướng bao trùm, bền vững; đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo, vùng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030…
Thứ tư, ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó nguồn ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước là chủ đạo, nguồn ủy thác từ các địa phương là quan trọng, đồng thời tăng cường huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 30% tổng nguồn vốn. Nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn này chiếm 30% tổng nguồn vốn. Có cơ chế, chính sách để Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 15%-20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn.
Tiếp tục duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng Nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ năm, tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản trị, cơ chế tạo lập nguồn vốn, cơ chế tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu lực hệ thống kiểm tra, giám sát, năng lực dự báo, phân tích; nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hoàn thiện quy chế phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ bị rủi ro bảo đảm an toàn nợ, phù hợp với đặc thù, tính chất hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc theo dõi, giám sát, đôn đốc, thu hồi và xử lý nợ trong hoạt động tín dụng.
Thứ sáu, nghiên cứu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình tín dụng chính sách, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả./.