Tiểu đoàn 445 trong trận đánh giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu

Tiểu đoàn 445 là đơn vị vũ trang chủ lực đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ra đời vào ngày 19-5-1965 tại ấp Suối Rao, xã Long Tân (huyện Đất Đỏ). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Tiểu đoàn 445 đã cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng lập nên những chiến công chói lọi, giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 445, nhớ lại: Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ hướng Đông Sài Gòn đã mở, ngụy quân Sài Gòn dồn về tỉnh Phước Tuy (tức khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) cố thủ.

Rạng sáng ngày 21-4-1975, địch tháo chạy, Tiểu đoàn 445 tiếp tục truy kích địch trên tỉnh lộ 2, nay là quốc lộ 56, bắt giữ hàng trăm tên địch cùng vũ khí, trang bị.

 Mũi tiến công của Tiểu đoàn 445 thọc sâu đánh địch ở xã Long Phước trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Mũi tiến công của Tiểu đoàn 445 thọc sâu đánh địch ở xã Long Phước trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Hai ngày sau, ngày 23-4-1975, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh họp bàn với Sư đoàn 3 Sao Vàng đề ra kế hoạch giải phóng Bà Rịa và Vũng Tàu, trong đó Tiểu đoàn 445 được giao nhiệm vụ tiến công chủ yếu trên địa bàn hai thị trấn Long Điền và Đất Đỏ; đồng thời phối hợp, dẫn đường cho quân chủ lực đánh các cứ điểm quan trọng tại Bà Rịa và Vũng Tàu.

Qua ký ức của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 445, sau khi Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ rất háo hức, quyết tâm đánh trận cuối để giải phóng quê hương. Nắm chắc địa bàn, cùng với phương châm thần tốc, quyết thắng, chỉ sau 20 phút pháo kích vào tối ngày 27-4-1975, Tiểu đoàn 445 đã chiếm toàn bộ quận lỵ Long Điền. Đến 24 giờ ngày 27-4-1975, Tiểu đoàn đã làm chủ chi khu Đất Đỏ.

Cựu chiến binh Lê Tấn Hùng (giữa) kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cựu chiến binh Lê Tấn Hùng (giữa) kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh kể tiếp: “Suốt từ Long Khánh về tới Long Điền, các nơi lính ngụy chạy tán loạn. Chỉ huy Tiểu đoàn lệnh đưa hỏa lực ra khống chế địch, gồm 1 khẩu cối 82 ly, 1 khẩu đại liên 12,8 ly bắn dồn dập. Tụi địch không chạy nổi phải đầu hàng”.

Sau khi giải phóng Long Điền và Đất Đỏ, thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn 445 phối hợp đánh tan rã các đơn vị địch đang co cụm ở thị xã Bà Rịa, tạo điều kiện cho đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng tiến công Long Hải, Vũng Tàu.

Sau khi giải phóng hoàn toàn Bà Rịa, trưa ngày 28-4-1975, Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng Tiểu đoàn 445 phối hợp tiến công giải phóng Vũng Tàu bằng đường bộ và đường biển. Trước đó, địch phá cầu Cỏ May, ngăn quân ta tiến đánh Vũng Tàu. Được sự giúp sức của nhân dân, chiều cùng ngày, cánh quân phía Phước Tỉnh vượt sông Cửa Lấp tiến vào Vũng Tàu. Đến 13 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, địch cố thủ tại khách sạn Palace kéo cờ đầu hàng, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

Cựu chiến binh Lê Tấn Hùng, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 445, nhớ lại: "Khi chúng tôi tiến về giải phóng quê hương, bà con nhân dân sử dụng cả xe lam, xe bò, máy cày giúp chúng tôi hành quân thần tốc giải phóng Bà Rịa, rồi giải phóng Vũng Tàu. Tất cả chúng tôi đều rất phấn khởi, tin tưởng ngày thống nhất nước nhà đã đến”.

 Tượng đài Tiểu đoàn 445 trong Công viên Chiến thắng tại TP Bà Rịa.

Tượng đài Tiểu đoàn 445 trong Công viên Chiến thắng tại TP Bà Rịa.

Trong 10 năm kể từ ngày thành lập, Tiểu đoàn 445 đã trải qua hơn 1.000 trận đánh, lập nhiều chiến công xuất sắc. Với những thành tích đặc biệt, Tiểu đoàn 445 và 4 cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 3-6-1976.

Năm 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng Tượng đài Tiểu đoàn 445 anh hùng trong Công viên Chiến thắng, nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao các Anh hùng liệt sĩ Tiểu đoàn 445 cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay.

Bài, ảnh: HIỀN LƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/tieu-doan-445-trong-tran-danh-giai-phong-ba-ria-vung-tau-825837
Zalo