Gặp lại đồng đội xưa giữa tháng Tư lịch sử

Những ngày tháng Tư lịch sử, sau 50 năm tưởng chừng xa cách, những chứng nhân lịch sử lại gặp nhau trong không khí cả nước đang chuẩn bị cho đại lễ Kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chia sẻ những câu chuyện thời còn nằm rừng, ăn cơm nắm với muối của hơn 50 năm về trước và cả những câu chuyện về các đồng đội đã ngã xuống cho nền độc lập của toàn dân tộc.

Ký ức hào hùng

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã làm nên Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nằm ở cửa ngõ chiến lược của miền Đông Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu từng là một chiến trường khốc liệt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hòa chung với dòng chảy của lịch sử dân tộc và khí thế tiến công thần tốc của quân, dân toàn miền Nam và cả nước trong Chiến dịch mùa xuân năm 1975.

Những người lính năm xưa giờ gặp lại. Ảnh: Thành Nam

Những người lính năm xưa giờ gặp lại. Ảnh: Thành Nam

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam, Đảng bộ Bà Rịa - Long Khánh đã quán triệt và tổ chức chỉ đạo cho quân và dân toàn tỉnh chuẩn bị lực lượng, tạo thế trận phối hợp với bộ đội chủ lực tổng tiến công và nổi dậy giải phóng toàn tỉnh.

Ngày 27/4/1975 đã đi vào lịch sử, trở thành mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu khi lá cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên Tháp nước Nhà Tròn Bà Rịa, đánh dấu thị xã Bà Rịa - là Tỉnh lỵ (địa bàn Trung tâm của Tỉnh Đảng bộ Bà Rịa lúc đó), được hoàn toàn giải phóng.

Cũng trong ngày 27/4/1975, 3 địa phương của tỉnh gồm huyện Tân Thành (nay là thành phố Phú Mỹ), huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc được hoàn toàn giải phóng. Trên đà thắng lợi, các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng, Tiểu đoàn 445 cùng Bộ đội địa phương tiến công giải phóng TP Vũng Tàu vào trưa ngày 30/4/1975 và giải phóng Côn Đảo vào ngày 1/5/1975, đánh dấu kết thúc quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ của Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sống mãi với thời gian

Với ký ức hào hùng, ngày tháng Tư lịch sử này, những người cựu binh lại có dịp quay về vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Họ là những trang sử sống, là nhân chứng cho lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng những ngày tháng Tư rực lửa năm 1975. Những câu chuyện về tình đồng chí - người đi kẻ ở được anh em, đồng đội kể cho nhau nghe.

Những chứng nhân lịch sử, những cựu binh kể cho nhau nghe những câu chuyện hào hùng của 50 năm về trước. Ảnh: Thành Nam

Những chứng nhân lịch sử, những cựu binh kể cho nhau nghe những câu chuyện hào hùng của 50 năm về trước. Ảnh: Thành Nam

Ông Huỳnh Thành Nhân, sinh năm 1941, ở xã An Nhứt, huyện Long Đất bồi hồi chia sẻ, năm 1961 ông theo các anh, các chú trong vùng tham gia du kích xã. Đến năm 1965, ông được tổ chức tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xã, rồi được điều động làm Phó Ban Binh vận huyện vào năm 1966.

Cũng trong thời điểm này, ông được cử đi học chính trị ở Quân khu 7, sau 2 năm, ông quay về Long Khánh và được giao phụ trách Đội vũ trang tuyên truyền, rồi làm Chính trị viên Tiểu đoàn địa phương tại huyện Xuân Lộc chuẩn bị tham gia chiến dịch mùa Xuân 1975.

Ông Nhân nhớ lại những trận đánh đi vào lịch sử sau này, lúc đó tiểu đoàn của ông có nhiệm vụ bao vây các đồn – bốt địch, sau đó là tuyên truyền và kêu gọi địch đầu hàng. Bằng hình thức này, địch đã buông bỏ vũ khí, đầu hàng và ký bàn giao đồn bót lại cho quân ta.

Trong lúc làm nhiệm vụ đã có những đồng đội nằm xuống mãi mãi. Nay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức buổi gặp mặt để Kỷ niệm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được gặp lại các đồng chí, đồng đội sau 50 năm đất nước thống nhất, cảm xúc ông Nhân vừa vui mừng, xúc động vì nhớ đồng đội.

“Đất nước được như ngày hôm nay là biết bao nhiêu đồng đội của tôi ngã xuống, tôi rất nhớ đồng đội, một người gặp lại ngày hôm nay thì đã có 15 người ra đi mãi mãi, gặp lại gia đình của những đồng đội xưa chú nhớ họ lắm, nghĩ lại thấy chúng ta còn may mắn lắm. Hôm nay Đảng và Nhà nước tổ chức gặp lại sau 50 năm ngày giải phóng những người cựu chiến binh như chú vô cùng vui mừng, cảm thấy được an ủi, gặp lại đồng đội xúc động lắm”, ông Nhân bồi hồi và cũng rất tự hào vì đất nước ngày càng đổi mới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Người dân có cuộc sống đủ đầy, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Gặp lại đồng đội sau 50 năm. Ảnh: Thành Nam

Gặp lại đồng đội sau 50 năm. Ảnh: Thành Nam

Với khí thế dũng mãnh, thần tốc, táo bạo, bí mật và bất ngờ, thời điểm đó quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu đã phối hợp chặt chẽ với Sư đoàn Sao Vàng, đơn vị A32 Đặc công thủy Vũng Tàu và các đơn vị vũ trang tổ chức nhiều mũi tiến công, đấu tranh, giải phóng hoàn toàn địa bàn tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Một chứng nhân khác từng là người lính đặc công nước tại Trung đoàn 10 - ông Nguyễn Văn Hoàng, 82 tuổi, ở xã Sông Xoài, TP Phú Mỹ nhớ lại thời mình được chọn đào tạo, sau chiến thắng Bình Giã (1964) ông được Tiểu đoàn 440 (tiền thân của Tiểu đoàn 445) cử đi huấn luyện ở Rừng Sác, để trở thành đặc công nước thuộc Trung đoàn 10.

Ông Hoàng không nhớ hết các trận đánh thời điểm đó nhưng có hai trận đánh ông không thể quên, đó là trận đánh bom kho xăng dầu Nhà Bè và thành Tuy Hạ. Ông kể lại mà cảm xúc còn vương trên khuôn mặt già nua, đầy nếp nhăn. Ngày đó, trước khi đánh phá thành Tuy Hạ lực lượng đặc công phải chuẩn bị rất kỹ, từ việc phân công nhiệm vụ cho từng người, thuốc nổ chuẩn bị ra sao, sơ đồ vị trí đặt thuốc nổ phải được phổ biến và học thuộc như thế nào…

Tiểu đoàn của ông bây giờ người còn người mất, vì thế gặp lại anh em đồng đội sau 50 giải phóng, tất cả điều cảm thấy vui mừng. “Đơn vị 445 giờ chỉ còn tối đa 15-20 người, cứ mỗi lần họp mặt thì anh em gặp nhau vui lắm. Sau 50 năm giải phóng chúng tôi thấy đất nước thay đổi rất nhiều, kinh tế phát triển vượt bậc, đời sống người dân ổn định. Những người cựu binh như chúng tôi còn sức khỏe vẫn tiếp tục cống hiến cho địa phương, mong thế hệ trẻ tiến bộ hơn để cống hiến cho quê hương, đất nước”, ông Hoàng vui mừng nói.

Cho đến hôm nay, những cựu binh năm xưa đã cống hiến cả thanh xuân cho đất nước có được ngày hôm nay, sẽ tiếp tục là “cây cao bóng cả”, là chỗ dựa tinh thần, là ngọn đuốc truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Mạnh Cường - Thành Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gap-lai-dong-doi-xua-giua-thang-tu-lich-su-10304608.html
Zalo