Tiết minh họa môn Công nghệ 3: GV nêu câu hỏi, PGS Lê Huy Hoàng gỡ khó ra sao?

PGS. TS Lê Huy Hoàng – Chủ biên chương trình Công Nghệ đã có nhiều chia sẻ giúp 'gỡ khó cho giáo viên khi triển khai dạy môn Công nghệ, Tin học.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Ở cấp tiểu học, Công nghệ được ghép với môn Tin học tạo thành môn Tin học và Công nghệ được dạy từ lớp 3 đến lớp 5.

Môn Tin học và Công nghệ được thiết kế với nhiều đổi mới giúp học sinh sống và học tập hiệu quả trong môi trường công nghệ để từ đó hình thành và phát triển năng lực công nghệ (một trong 10 năng lực cốt lõi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).

Những điểm mới trên đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để đảm bảo phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Ngày 16/9, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức chuyên đề với tiết dạy minh họa Bài 3: Sử dụng quạt điện (tiết 2), môn Công Nghệ 3 của cô giáo Lê Thị Thanh Mai và các em học sinh lớp 3A5 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.

Tại buổi tổ chức chuyên đề, PGS. TS Lê Huy Hoàng – Chủ biên chương trình Công Nghệ, Tổng chủ biên Sách giáo khoa Công nghệ lớp 3, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã có nhiều chia sẻ đễ "gỡ khó" cho giáo viên, học sinh tiếp cận môn học mới này.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức chuyên đề chuyên môn Dạy công nghệ lớp 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để giúp giáo viên có những trải nghiệm trên thực tế (Ảnh: Phạm Linh)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức chuyên đề chuyên môn Dạy công nghệ lớp 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để giúp giáo viên có những trải nghiệm trên thực tế (Ảnh: Phạm Linh)

Đưa Công nghệ trở thành môn học nhẹ nhàng, hấp dẫn và thiết thực

PGS. TS Lê Huy Hoàng chia sẻ: “Cá nhân tôi là người được đào tạo từ môi trường sư phạm để ra dạy môn Công Nghệ nên tôi thấu hiểu những khó khăn của môn học này.

Từ khi được mời làm chủ biên chương trình môn Công nghệ, tôi vẫn luôn tâm niệm làm cách nào đó để đưa Công nghệ trở thành môn học nhẹ nhàng, hấp dẫn và thiết thực. Để mỗi học sinh yêu thích môn học này. Quan trọng hơn nữa là học sinh không bị thiệt thòi khi mà chúng ta bỏ qua môn Công nghệ.

Môn Công nghệ hiện tại đã có rất nhiều thay đổi, mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là giúp các em có thể học tập, làm việc một cách hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường và xã hội.

Thực chất, mỗi con người chúng ta đang sống trong môi trường công nghệ nên các em ít nhất phải sống và thích ứng với môi trường đó. Đây chính là thông điệp của môn Công nghệ ở tiểu học.

Nội dung chương trình là công nghệ và đời sống, thủ công, kỹ thuật để giúp học sinh sử dụng những sản phẩm công nghệ trong gia đình như thế nào cho đúng cách.

Một số thầy cô cho rằng, những sản phẩm này vốn dĩ các em đã sử dụng được rồi vậy học để làm gì?

Ngay cả người lớn đôi khi chúng ta sử dụng các thiết bị trong gia đình không đúng cách. Nếu được học từ nhỏ, học sinh sẽ biết cách sử dụng đúng cách và an toàn, đó chính là hai mục tiêu quan trọng mà chúng tôi đưa vào môn Công nghệ.

Đặc biệt, môn Công nghệ ở tiểu học có một nội dung hết sức ý nghĩa đó là thiết kế kỹ thuật được học ở khối lớp 5.

Nội dung này được xem là trục về mặt phương pháp để thiết kế bài dạy STEM trong môi trường tiểu học, phổ thông.

Ví dụ như hai bài ở lớp 5: lắp ráp mô hình điện gió hay lắp ráp mô hình điện mặt trời là những chủ đề có liên quan đến giáo dục STEM.

Như vậy học tập môn Công nghệ vừa đảm bảo cho các em sống tốt, an toàn trong môi trường công nghệ vừa phát triển năng lực giải quyết và sáng tạo, gắn kết với giáo dục STEM”.

PGS. TS Lê Huy Hoàng chia sẻ giúp "gỡ khó" cho giáo viên khi triển khai dạy môn Công nghệ tại chuyên đề (Ảnh: Phạm Linh)

PGS. TS Lê Huy Hoàng chia sẻ giúp "gỡ khó" cho giáo viên khi triển khai dạy môn Công nghệ tại chuyên đề (Ảnh: Phạm Linh)

PGS. TS Lê Huy Hoàng cũng đề xuất 6 tiêu chí của một giờ dạy Công nghệ ở tiểu học gồm: Bám sát mục tiêu; Giới hạn các hoạt động (thực hành là yếu tố quan trọng nhưng trước khi thực hành phải có cái nhận thức về loại hình hoạt động đó, biết thế nào là đúng rồi mới thực hành); Gắn với thực tiễn; Khai thác trải nghiệm của học sinh; Tích hợp (tích hợp vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững); Khi về nhà học sinh làm gì để phát huy những kiến thức đã học”.

Giáo viên có quyền bố trí thời khóa biểu

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất của nhiều giáo viên Hải Phòng chia sẻ tại Chuyên đề: “Dạy công nghệ lớp 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, PGS. TS Lê Huy Hoàng – Chủ biên chương trình Công Nghệ đã đưa ra nhiều giải pháp, gợi ý để giáo viên triển khai tốt việc giảng dạy môn Công nghệ, Tin học.

Cụ thể, với câu hỏi về kế hoạch nhà trường: “Mỗi môn Công nghệ, Tin học là 35 tiết/ năm học vậy có cần rải đều, song song cả môn Công nghệ và Tin học mỗi tiết/tuần hay không?”

PGS. TS Lê Huy Hoàng giải đáp: “Theo cách hiểu của tôi, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn và có công văn 2345 về xây dựng kế hoạch nhà trường.

Trong đó nêu rõ, chính các thầy cô là người quyết định trong một học kỳ sẽ học những môn nào, được bố trí thời khóa biểu như thế nào.

Công văn này còn nêu rõ, không nhất thiết phải bố trí đều tất cả các tuần với số tiết giống hệt như nhau.

Như vậy, việc bố trí môn, số tiết là quyền của giáo viên. Tư tưởng của công văn 2345 giúp cho nhà trường có thể bố trí, sắp xếp kế hoạch của các môn học ở các học kỳ, nội dung để làm sao cho thuận lợi nhất, phù hợp với điều kiện nhà trường và đội ngũ giáo viên”.

Đối với thắc mắc của các thầy cô hỏi về cấu trúc đề kiểm tra 40/60, đây là góc độ liên quan đến quản lý nhà nước, PGS. TS Lê Huy Hoàng cho biết: “Theo quan điểm cá nhân tôi thấy cấu trúc 40/60 giống như các môn học khác, thậm chí là 30/70, 50/50 cũng không sao cả mà vấn đề là nội dung mà chúng ta kiểm tra học sinh thì phần phủ rộng (kiểm tra trắc nghiệm khách quan), phần tự luận (biện luận sâu) có đặc điểm kiến thức như thế nào thì tự chúng ta đưa ra quyết định đó.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa ra con số chính xác, cụ thể thì chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt thì sự sáng tạo của nhà trường là như vậy, không có công thức nhất định về việc đó”.

Tiết dạy minh họa môn Công Nghệ 3 của cô giáo Lê Thị Thanh Mai và các em học sinh lớp 3A5 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Phạm Linh)

Tiết dạy minh họa môn Công Nghệ 3 của cô giáo Lê Thị Thanh Mai và các em học sinh lớp 3A5 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Phạm Linh)

PGS. TS Lê Huy Hoàng chia sẻ thêm: “Tôi sẽ đề nghị với nhà xuất bản để ngoài tập huấn còn có những nền tảng hành trang số.

Hành trang số thể hiện học liệu của tất cả các môn học. Đối với môn Công nghệ hiện tại đang chỉ có những học liệu đơn giản, hệ thống các hình ảnh trong đó chứ không có sự đầu tư công phu. Theo đó, tôi sẽ đề nghị có những kịch bản số hóa để chúng ta triển khai tốt hơn.

Về khía cạnh STEM (viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán), môn Công nghệ của chúng ta đang có 2 phần kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt có đề cập đến thiết kế kỹ thuật.

Tiến trình thiết kế kỹ thuật lại là cơ sở thiết kế bài dạy STEM. Theo đó, các thầy cô khi dạy môn Công nghệ luôn luôn ý thức được rằng có nhiều cơ hội, tiềm năng để triển khai giáo dục STEM”.

Về ý kiến của nhiều giáo viên về vấn đề đội ngũ giáo viên, PGS. TS Lê Huy Hoàng cho biết: “Năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một yêu cầu phải bồi dưỡng giáo viên để dạy môn Tin học.

Chính tôi khi còn là Trưởng khoa Khoa sư phạm kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã biên soạn chương trình bồi dưỡng giáo viên ở cấp tiểu học để dạy môn Công nghệ và Tin học với các đối tượng đầu vào gồm: thầy cô đang dạy Tin học sẽ bổ sung phần Công nghệ và ngược lại; những thầy cô sắp tới được phân công chuyên dạy môn Công nghệ, Tin học thì học cả 2”.

PGS. TS Lê Huy Hoàng nhấn mạnh thêm: “Trong một giờ dạy, khi bắt đầu cần xuất phát từ tình huống trong thực tiễn của học sinh. Đây là chủ trương các thầy cô cần cố gắng vận dụng nhiều.

Khi đề cập đến tình huống có nội dung, vấn đề gần gũi với học sinh ví dụ không đứa trẻ nào không biết bật quạt nhưng việc sử dụng không đúng cách, không an toàn là phổ biến, thậm chí bố mẹ cũng không sử dụng đúng, chúng ta có thể khai thác những tình huống như vậy.

Khi biên soạn sách, chúng tôi rất muốn đưa những tình huống như thế nhưng tình huống ở nơi này lại khác ở nơi khác, rất đa dạng mà nếu chỉ lấy 1 tình huống thì cứng quá cho nên chúng tôi sử dụng hình ảnh để thể hiện tư tưởng.

Còn trong quá trình dạy, giáo viên có thể sử dụng tình huống trong sách giáo khoa hoặc mở rộng kết nối với trải nghiệm của học sinh thực tiễn”.

Phạm Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tiet-minh-hoa-mon-cong-nghe-3-gv-neu-cau-hoi-pgs-le-huy-hoang-go-kho-ra-sao-post229697.gd
Zalo