Tiết lộ mới gây chấn động Ukraine về sự tan rã của Lữ đoàn 'chuẩn Pháp' 155
Với những binh sỹ được đào tạo bài bản tại Pháp và trang bị nhiều khí tài quân sự hiện đại, Lữ đoàn cơ giới 155, còn có tên gọi 'Anne de Kyiv' được cho là đơn vị chủ lực của quân đội Ukraine. Nhưng lữ đoàn này đã nhanh chóng tan rã trước khi ra mặt trận chiến đấu.
Chỉ vài tháng sau khi được thành lập, Lữ đoàn cơ giới 155 đã phải đối mặt với vụ bê bối nội bộ đã gây chấn động giới quân sự Ukraine.
Lý do lữ đoàn tinh nhuệ 155 tan rã
Quân đội Ukraine đang đối mặt với nhiều thách thức lớn sau khi có những báo cáo rằng nhiều binh lính của Lữ đoàn 155 đã đào ngũ. Hầu hết các binh sỹ trong số này đã rời khỏi đơn vị trước khi được đưa ra chiến trường, còn một số ít trốn thoát và lưu lạc tại các nước EU khi đang được đào tạo tại Pháp.
Tình trạng này đã nêu bật vấn đề mà Ukraine phải đối mặt kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022. Vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào thời điểm khó khăn với Ukraine, khi người dân nước này đã quá mệt mỏi vì xung đột và nhiều đơn vị quân đội đang kiệt sức do các cuộc tấn công liên tục của Nga.
Giải thích về sự tan rã của Lữ đoàn 155, chỉ huy Lực lượng Lục quân của Ukraine, ông Mykhailo Drapaty mới đây cho biết: "Có rất nhiều vấn đề liên quan đến biên chế, đào tạo và một phần liên quan đến đội ngũ chỉ huy".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố việc thành lập lữ đoàn Anne of Kyiv trong lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandy vào năm 2024. Paris ca ngợi đây là sáng kiến "độc đáo" và Tổng thống Ukraine Zelensky cũng cho biết ông muốn thành lập thêm 10 đơn vị được NATO huấn luyện và trang bị.
Nhưng hy vọng đó đã tan vỡ vào tháng 12/2024, khi một số báo cáo cho biết, 1.700 binh lính của lữ đoàn đã đào ngũ, trong đó có 50 người bỏ trốn khi huấn luyện tại Pháp. Paris cũng xác nhận nhiều binh sỹ Ukraine đã rời bỏ hàng ngũ trong quá trình huấn luyện nhưng đánh giá con số này “không đáng kể”.
Ông Butusov cho rằng, Lữ đoàn 155 đã phải chịu tổn thất và "hỗn loạn về mặt tổ chức" trong những ngày đầu triển khai gần Pokrovsk - một thành phố tiền tuyến quan trọng ở miền Đông Ukraine mà Nga đang cố gắng chiếm giữ. Theo chỉ huy này, lữ đoàn có quá ít máy bay không người lái, trong khi nhiều hệ thống pháo đã được chuyển đến các đơn vị khác để bù đắp tình trạng thiếu hụt thiết bị.
Những tiết lộ này được cho là bước lùi đối với quân đội, vốn đang phải gồng mình chống chọi các cuộc tấn công của Nga, đồng thời gây ảnh hưởng tới tham vọng của Tổng thống Zelensky về việc tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với NATO.
Đào ngũ và suy sụp tinh thần chiến đấu là những chủ đề nhạy cảm đối với quân đội Ukraine, trong bối cảnh họ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự và nhiều tranh cãi liên quan đến chính sách tuyển dụng. Truyền thông Ukraine trích dẫn thông tin từ Cục Điều tra Nhà nước đưa tin hơn 7.000 binh sĩ rời khỏi đơn vị của họ mà không được phép đã tự nguyện trở về.
Chỉ huy Drapaty cho biết, các vấn đề mà lữ đoàn Anne of Kyiv gặp phải cũng là “vấn đề chung đối với các lữ đoàn khác" trong một quân đội vốn đã bị suy yếu do xung đột kéo dài. "Đây không phải là bí mật", ông Drapaty cho biết.
Ông Yuriy Butusov – một phóng viên chiến trường nhận định, Lữ đoàn 55 “đã gặp nhiều rắc rối về mặt tổ chức”. Ông Butusov cho rằng quyết định phía sau việc đào tạo và thành lập lữ đoàn này mang tính chính trị hơn là tính quân sự.
"Không có lý do gì để thành lập những lữ đoàn như vậy khi không có đủ nhân sự, không có thời gian để đào tạo. Nếu Ukraine cần một lữ đoàn mới, thì phải mất ít nhất một năm để xây dựng. Ngoài việc đào tạo cá nhân, chúng ta cần đảm bảo việc quản lý chặt chẽ ở nhiều cấp độ".
Tướng Mykhailo Drapatyi, Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine, đã thông báo với Tổng thống Zelensky về gốc rễ của những vấn đề mà Lữ đoàn "Anne of Kyiv" gặp phải. Trong bài viết đăng tải trên mạng xã hội, ông Mykhailo Drapatyi thừa nhận, Lữ đoàn này tan rã là do “thiếu sự quản lý, sai sót trong tuyển dụng và lập kế hoạch huấn luyện không phù hợp”.
Tình trạng bấp bênh của các đơn vị mới thành lập
Các đồng minh phương Tây đã đổ hàng tỷ USD mua vũ khí và trang thiết bị để trang bị cho lực lượng vũ trang Ukraine cũng như chuyển giao cho họ công nghệ hiện đại để chống lại lực lượng Nga có quy mô lớn hơn nhiều. Phương Tây cũng tìm cách đào tạo lại lực lượng vũ trang Ukraine, ứng dụng tư duy, chiến thuật theo kiểu NATO, chẳng hạn như thực hiện vũ trang kết hợp, triển khai những lữ đoàn nhỏ hơn thay vì các sư đoàn lớn hơn.
Ngoài việc thiếu hụt vũ khí, Ukraine còn phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn là thiếu nhân sự trầm trọng. Những người chỉ trích cho rằng chính quyền Ukraine đã không thành lập được hệ thống tuyển dụng, huy động và đào tạo bền vững để bổ sung cho các đơn vị đang suy yếu.
Trước khi Lữ đoàn 155 được đưa trở lại Ukraine vào cuối tháng 11/2024, quân đội nước này đã phải vật lộn trong nhiều tháng để cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga ở nhiều nơi trên khắp chiến tuyến dài khoảng 1.100 km.
Vào ngày 12/12/2025, Đại tá Dmytro Ryumshin, chỉ huy lữ đoàn 55, đã bị thay thế, chỉ vài ngày trước khi lữ đoàn này được đưa vào chiến đấu. Nhà lập pháp Maryana Bezuhla của Ukraine đã chỉ trích việc thành lập lữ đoàn, cho rằng, việc lựa chọn lực lượng từ nhiều đơn vị khác để thành lập Lữ đoàn 55 đã làm giảm sức chiến đấu của họ.
“Điều gì đã xảy ra với lữ đoàn 155? Mặc dù Pháp đã cố gắng chuyên biệt hóa trong quá trình đào tạo nhưng lữ đoàn này vẫn không thoát khỏi lối mòn khiến họ bị tan rã”, bà Maryana Bezuhla lưu ý.
Trong một bài viết đăng trên X, nhà phân tích Serhiy Sternenko cho rằng: “Tại sao lại thành lập một lữ đoàn mới khi các lữ đoàn hiện tại đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự. Sau đó lữ đoàn mới lại bị chia cắt để phân bổ cho các lữ đoàn cũ? Mục đích là gì? Không chỉ hình ảnh của chúng ta bị tổn hại trong mắt người Pháp mà việc mất đi một lữ đoàn mới cũng khiến Ukraine chịu tổn thất”.