Tiết lộ cách Australia thuyết phục Tổng thống Trump ủng hộ AUKUS
Tại Mỹ, thỏa thuận AUKUS vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, Australia dường như đã tìm ra cách thuyết phục Tổng thống Trump ủng hộ thỏa thuận này.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ thăm cảng quân sự Stirling ở Australia ngày 4/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chưa đầy hai tuần sau khi ông Pete Hegseth, người được Tổng thống Donald Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tuyên thệ nhậm chức, ông đã tiếp đón đối tác nước ngoài đầu tiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Richard Marles.
Mục tiêu của Australia trong chuyến đi này rất rõ ràng: Đảm bảo chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục ủng hộ thỏa thuận AUKUS, kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân của Australia, trước tiên là thông qua việc mua tàu ngầm lớp Virginia từ Mỹ, sau đó phát triển một mẫu tàu ngầm AUKUS mới, được thiết kế và chế tạo chung với Anh.
Những lo ngại về AUKUS tại Mỹ
Tại Mỹ, AUKUS từng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia, như Elbridge Colby, người vừa được bổ nhiệm làm cấp phó của Bộ trưởng Hegseth tại Lầu Năm Góc, cho rằng Australia không nên được tiếp cận "báu vật" của nền quốc phòng Mỹ. Trong khi đó, một số ý kiến khác bày tỏ lo ngại rằng AUKUS có thể gây áp lực lên ngành công nghiệp đóng tàu hải quân Mỹ, vốn đã quá tải với việc duy trì tốc độ sản xuất tàu ngầm cho chính lực lượng Mỹ.
Tuy nhiên, những quan điểm phản đối này dần lắng xuống và khi đến thời điểm quyết định, Quốc hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng trong việc ủng hộ AUKUS.
Dù vậy, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, cùng với sự khó đoán định của ông và cách ông sẵn sàng gây áp lực với các đồng minh mà ông cho là "ăn bám" hoặc gây thiệt hại cho Mỹ, vẫn khiến Australia lo ngại về chương trình quốc phòng quan trọng và đắt đỏ bậc nhất trong lịch sử nước này.
Sự lo lắng càng tăng khi chính Trump chưa từng trực tiếp đề cập đến AUKUS, dù là ủng hộ hay phản đối. Và cho đến hôm nay, ông vẫn chưa làm điều đó.
Dấu hiệu ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Trump

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Ảnh: Reuters/TTXVN
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth, ông Trump đứng về phía AUKUS. "Tổng thống nhận thức rõ về AUKUS, ủng hộ kế hoạch này và hiểu rõ tầm quan trọng của nền công nghiệp quốc phòng, điều mà Phó Thủ tướng Marles đã nhấn mạnh qua khoản đầu tư mà Australia sẵn sàng thực hiện", Hegseth khẳng định.
Ông tiếp tục dành lời khen ngợi cho AUKUS, mặc dù có chút nhầm lẫn khi gọi tàu ngầm là công nghệ dưới lòng đất thay vì dưới nước.
"Kế hoạch này tăng cường năng lực trong lĩnh vực dưới lòng đất, cũng như khả năng hợp tác với các đồng minh và đối tác. Đây không phải là nhiệm vụ mà Mỹ có thể thực hiện một mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng ta cần có các đồng minh và đối tác mạnh mẽ. Chia sẻ công nghệ và tàu ngầm là một phần quan trọng trong kế hoạch này. Tổng thống Trump biết điều đó và rất trân trọng sự ủng hộ cũng như vai trò lãnh đạo của Australia trong vấn đề này", ông Hegseth nói.
Khi được hỏi liệu chiếc tàu ngầm đầu tiên có được bàn giao đúng tiến độ vào đầu những năm 2030 hay không, ông Hegseth cho biết, một trong những cam kết của Tổng thống Trump là cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, đầu tư vào nền công nghiệp quốc phòng và đảm bảo rằng Mỹ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đối tác. Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo thực hiện cam kết đó. Và đó cũng là lúc phía Australia có thể thở phào nhẹ nhõm.
Cam kết tài chính của Australia với Mỹ
Cuộc gặp đã diễn ra suôn sẻ hơn mong đợi. Ông Marles, vốn luôn nhiệt tình trong các chuyến công du nước ngoài, không giấu nổi sự vui mừng khi đảm bảo với ông Hegseth rằng Australia sẽ đóng góp hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, bao gồm khoản thanh toán đầu tiên trị giá 500 triệu USD, vừa được gửi trong tuần qua.
Giáo sư Peter Dean từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ và tác giả của Báo cáo Đánh giá Chiến lược Quốc phòng Australia 2024 nhận định trên The Nightly rằng đây là "sự bảo đảm mà Australia đã chờ đợi từ lâu".
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi có bằng chứng công khai rằng chính quyền Tổng thống Trump nhận thức và ủng hộ AUKUS", ông Dean nói. "Sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ trưởng Hegseth, cùng với lời mời nhanh chóng dành cho Marles, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của AUKUS cũng như cán cân chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông nói thêm
Giáo sư Dean nhận định rằng AUKUS có thể thậm chí còn tiến xa hơn dưới chính quyền Tổng thống Trump. "Chính quyền ôngTrump, đặc biệt là Thượng viện và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng, cải cách quy trình mua sắm và cắt giảm thủ tục hành chính", ông nhận xét. "Điều này đồng nghĩa với việc quan hệ hợp tác AUKUS và ngành công nghiệp quốc phòng song phương giữa Mỹ - Australia sẽ có điều kiện để phát triển nhanh chóng".
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Roger Wicker, một trong những người ủng hộ AUKUS mạnh mẽ nhất, đã trao đổi với ông Trump và nhận được cam kết tăng ngân sách quốc phòng để thúc đẩy ngành đóng tàu, sản xuất và bảo trì tàu ngầm, cũng như nền công nghiệp quốc phòng. "Nếu các cam kết này được thực hiện, đây sẽ là cú hích lớn cho tiến trình triển khai AUKUS", Giáo sư Dean khẳng định.
Những yếu tố còn bỏ ngỏ

Tàu ngầm USS Asheville của Mỹ ở ngoài khơi Perth (Australia) ngày 15/3/2023. Ảnh: Business Insider
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là đây vẫn là chính quyền Tổng thống Trump và lời nói của tổng thống có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Việc Australia là nước đầu tiên được Lầu Năm Góc tiếp đón dưới thời chính quyền mới, cùng với cuộc họp Bộ tứ (Quad) tại Washington ngay sau lễ nhậm chức của Ngoại trưởng Marco Rubio, là tín hiệu tích cực.
Dù ông Trump có vẻ quan tâm hơn đến quá trình đàm phán và những kịch tính xung quanh nó hơn là việc kiềm chế Trung Quốc theo hướng chiến lược dài hạn, nhưng những động thái đầu tiên từ Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc cho thấy vẫn có những bộ phận quan trọng trong chính quyền Mỹ duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và điều đó có lợi cho AUKUS.