Tiếp tục phát triển Chương trình GDPT 2018 đáp ứng yêu cầu thực tiễn

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 chia sẻ những việc cần làm để phát triển chương trình...

Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: NTCC

Sau một lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình đã chia sẻ những việc cần làm để phát triển chương trình phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Chuyển biến tích cực trong dạy - học, quản lý

- Giáo sư đánh giá thế nào về kết quả đạt được sau gần trọn một lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018?

- Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 404/QĐ-TTg, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng và ban hành Chương trình GDPT mới để nâng cao chất lượng giáo dục thế hệ trẻ, đáp ứng những đòi hỏi thực tế và bắt kịp xu thế chung của nhân loại.

Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: “Chương trình GDPT 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 8/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành chương trình tổng thể và các chương trình môn học được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch”.

Chương trình GDPT 2018 còn nhận được đánh giá tích cực từ các chuyên gia giáo dục quốc tế của World Bank và những chuyên gia khác. Trong bộ sách “Giảng dạy hiệu quả các kỹ năng thế kỷ XXI cho học sinh”, học giả người New Zealand Lance King viết: “Trong việc cải tiến chương trình giáo dục để đáp ứng nhu cầu của thời đại kỹ thuật số, Việt Nam đang đi trước một số quốc gia phương Đông và phương Tây ở nhiều khía cạnh.

Chương trình GDPT mới của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 đã đặt mục tiêu rõ ràng chuyển đổi toàn bộ giáo dục phổ thông theo hướng từ tiếp cận nội dung sang năng lực, từ lấy giáo viên sang lấy học sinh làm trung tâm, hướng tới việc dạy và học dựa trên công nghệ và kỹ năng. Những thay đổi đáng kể này không những mang lại lợi ích cho thế hệ tương lai mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài đất nước”.

Được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020 - 2021, Chương trình GDPT 2018 đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, việc triển khai chương trình gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Nổi bật là một số chủ trương đổi mới như dạy học tích hợp, định hướng nghề nghiệp ở THPT, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa quy định trong Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 chưa được thực hiện nhất quán, triệt để. Cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.

 GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: INT

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: INT

Nhiều việc cần làm

- Sau 5 năm triển khai, theo GS đã phát sinh những vấn đề gì cần xem xét, điều chỉnh để phát triển Chương trình GDPT 2018?

- Việc phát triển chương trình được quy định trong Chương trình GDPT 2018. Có thể nêu lên những việc cần làm để phát triển chương trình như sau:

Thứ nhất, về điều chỉnh, bổ sung: Chương trình GDPT 2018 xác định những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh dựa vào các văn kiện của Đảng và kết quả nghiên cứu thực tế GDPT Việt Nam trước và trong thời điểm xây dựng chương trình; các tài liệu của OECD, EU, WEF và một số chương trình nước ngoài công bố từ sau năm 2000 đến 2015.

Trong tương lai, chương trình cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, các tài liệu về chương trình và khoa học tâm lý - giáo dục ở mỗi thời kỳ phát triển.

Ở nhiều nước, chương trình GDPT được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, thậm chí hằng năm. Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh cụ thể nước ta, để bảo đảm tính ổn định, việc điều chỉnh, bổ sung nên thực hiện theo chu kỳ 5 năm một lần.

Được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, chương trình sẽ luôn cập nhật với sự phát triển của khoa học, đất nước, vì vậy, được sử dụng lâu dài, khắc phục tình trạng mỗi lần đổi mới, chương trình và sách giáo khoa thay đổi gần như hoàn toàn, vừa gây khó khăn cho giáo viên, học sinh vừa khó nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

Về thời lượng học tập, thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên chỉ đạo nghiên cứu để dần thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở hai cấp THCS, THPT, khắc phục tình trạng quá tải và tạo điều kiện để học sinh có nhiều thời gian vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động thể thao, văn nghệ.

Thứ 2, về cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực: Chương trình GDPT tổng thể đã xác định yêu cầu cần đạt ở mỗi cấp học về các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Yêu cầu cần đạt về các năng lực đặc thù ở mỗi lớp học cũng được xác định ở chương trình môn học.

Trong thời gian tới, nên tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Chi tiết hóa các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực trong chương trình bằng cách điều chỉnh, bổ sung các hợp phần, chỉ số hành vi và làm rõ mức độ thuần thục của các hành vi này bằng tiêu chí chất lượng. Cùng với đó, cần ký hiệu hóa các phẩm chất, năng lực (năng lực chung và năng lực đặc thù) và làm rõ đường phát triển của những phẩm chất, năng lực này trong chương trình.

 Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TPHCM). Ảnh minh họa: INT

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TPHCM). Ảnh minh họa: INT

Thứ 3 là về xây dựng chương trình giáo dục dành cho các đối tượng chuyên biệt. Chương trình GDPT là chương trình phổ cập cho cả nước. Chính vì vậy, chương trình tổng thể đã quy định: Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng chương trình giáo dục dành cho các đối tượng chuyên biệt (học sinh giỏi, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn). Đây là những việc nên được thực hiện sớm.

Thứ 4 là điều chỉnh nội dung giáo dục của địa phương. Một số nước (như Anh, Australia, Đức, Mỹ,…) thiết kế ba cấp chương trình: Chương trình quốc gia, địa phương (chương trình của bang hoặc tỉnh) và nhà trường. Ở nước ta, Luật Giáo dục quy định thực hiện một chương trình GDPT thống nhất trong toàn quốc.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT đã quy định: “Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc.

UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể nhà trường”.

Nội dung giáo dục địa phương và kế hoạch giáo dục nhà trường chính là giải pháp bảo đảm tính mềm dẻo, linh hoạt và sự gắn kết của chương trình GDPT với thực tiễn. Ở tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục của địa phương được tổ chức dưới hình thức chuyên đề, với thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết.

Cho đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào thực hiện nội dung giáo dục địa phương. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học, thay vì biên soạn tài liệu hướng dẫn giáo viên tích hợp nội dung giáo dục này vào các môn học, một số địa phương lại tổ chức biên soạn tài liệu cho học sinh, làm tăng thêm đầu SGK, không đúng quy định chương trình. Ở THCS và THPT, tài liệu của một số địa phương thiên về lịch sử, địa lý địa phương mà bỏ qua hoặc coi nhẹ các nội dung về kinh tế, văn hóa, trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, hướng nghiệp,…

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên rà soát lại và hướng dẫn các tỉnh thành điều chỉnh, bổ sung nội dung giáo dục địa phương phù hợp với định hướng của chương trình.

Thứ 5 là về đảm bảo tính chủ động trong xây dựng kế hoạch của nhà trường. Chương trình GDPT 2018 đã trao cho nhà trường quyền chủ động và trách nhiệm triển khai kế hoạch giáo dục “phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội”.

Lần đầu tiên, chương trình GDPT của nước ta chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm học, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Đối với cấp THPT có nhiều môn học lựa chọn, chương trình quy định:

“Các trường có thể xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để đáp ứng nhu cầu người học, bảo đảm phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học, chuyên đề học tập mà học sinh đang theo học nhưng nhà trường không có điều kiện tổ chức dạy”.

Như vậy, có thể hiểu kế hoạch giáo dục của nhà trường là sự cụ thể hóa tiến trình thực hiện chương trình GDPT phù hợp với điều kiện về thời gian, đặc điểm của người học, nhân lực, vật lực,… của nhà trường. Kế hoạch giáo dục nhà trường được xây dựng hằng năm dựa trên kế hoạch giáo dục chung và các hướng dẫn trong chương trình GDPT.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên hướng dẫn các tỉnh thành và cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với định hướng của chương trình.

Thống nhất giữa chương trình và quy định

- Sau Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 22/7/2021 quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Giáo sư lưu ý gì nhằm bảo đảm thống nhất giữa chương trình và các văn bản về đánh giá kết quả giáo dục nói trên?

- Chương trình GDPT 2018 quy định đánh giá sự đáp ứng của học sinh với yêu cầu cần đạt của chương trình theo ba mức độ: Biết, Hiểu, Vận dụng. Công văn số 7991/2024 của Bộ hướng dẫn đánh giá học sinh trung học cũng thống nhất với ba mức độ trên. Tuy nhiên, Thông tư số 27/2020 hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học theo ba mức độ khác, các mức độ đều không có tên gọi và ở ba mức độ có yêu cầu vận dụng để giải quyết vấn đề.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần rà soát, điều chỉnh các thông tư và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về đánh giá kết quả giáo dục để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GD phổ thông.

- Xin trân trọng cảm ơn GS!

Chương trình GDPT 2018 quy định: “Phát triển chương trình GDPT là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình… Trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học mới (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có)”.

Hải Bình (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tiep-tuc-phat-trien-chuong-trinh-gdpt-2018-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-post717335.html
Zalo