Tiếp tục lan tỏa Chương trình OCOP làm động lực phát triển nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Với cách làm bài bản, sáng tạo, phù hợp thực tiễn, Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đã và đang trở thành lực đẩy mạnh mẽ, góp phần tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu tại Nam Định.

Sản phẩm OCOP "Gạo rươi" hạng 4 sao của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) được người tiêu dùng tin dùng. (Ảnh Văn Đại)
Xác định Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn lực và là tiêu chí để đánh giá các địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 25/10/2022 về triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tỉnh Nam Định. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chương trình OCOP của tỉnh đã được triển khai một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, đến hướng dẫn quy trình triển khai, xúc tiến thương mại...
Với vai trò chủ trì, Sở Nông nghiệp và Môi trường tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Các sở, ngành, các hội, đoàn thể của tỉnh chủ động triển khai lồng ghép nội dung Chương trình OCOP vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, nhất là nhiệm vụ xây dựng NTM. Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các nhà mạng Viettel Nam Định, VNPT Nam Định giới thiệu, quảng bá trực tuyến sản phẩm OCOP của tỉnh trên các nền tảng mạng xã hội như Zoom, Zalo, Facebook... giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh đến được ngày càng nhiều hơn với người tiêu dùng trong cả nước, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Các địa phương, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng thường xuyên quan tâm, nỗ lực thực hiện, thúc đẩy chương trình OCOP của tỉnh phát triển. Báo Nam Định đã thường xuyên đăng, phát các bài phóng sự, các chương trình truyền hình, nêu gương cổ vũ kịp thời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình tiêu biểu tích cực tham gia và có nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ hạng 3 sao trở lên. Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của tỉnh qua các hội chợ, sàn giao dịch thương mại quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ một số chủ thể sản phẩm OCOP về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Các hội, đoàn thể lồng ghép nội dung OCOP vào chương trình công tác, lan tỏa sâu rộng đến từng hội viên.
UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch từng năm trên địa bàn. Tích cực rà soát, lựa chọn, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP. Đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm làng nghề còn ở dạng thô, đơn giản, phương thức sản xuất nhỏ lẻ để nâng cấp, hoàn thiện đạt chuẩn tiêu chí sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Một số huyện xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP của địa phương; chủ động tuyên truyền, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; phân công cán bộ trực tiếp hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP.

Bánh gai Hương Cúc (thành phố Nam Định) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. (Ảnh Đức Toàn)
Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, đến nay toàn tỉnh có 529 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên; trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 65 sản phẩm 4 sao và 460 sản phẩm 3 sao. Tất cả các huyện, thành phố đều có sản phẩm OCOP; trong đó huyện Hải Hậu 123 sản phẩm, Giao Thủy 121 sản phẩm, là 2 địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Về cơ cấu nhóm sản phẩm, có 486 sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm; 25 sản phẩm thuộc ngành đồ uống; 9 sản phẩm sinh vật cảnh; 5 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ; 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn; 1 sản phẩm vải, may mặc. Tổng số có 270 cơ sở sản xuất của 9 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP; trong đó có 65 doanh nghiệp, công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, 60 hợp tác xã và 145 hộ kinh doanh.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn một số bất cập như: nhận thức về chương trình ở cơ sở còn hạn chế; sự liên kết sản xuất, chế biến, tiên thụ sản phẩm thiếu chặt chẽ; số lượng sản phẩm OCOP không đồng đều giữa các địa phương; có ít sản phẩm OCOP từ ý tưởng mới; phương án sản xuất, kinh doanh của một số chủ thể ít đổi mới. Việc cải tiến, nâng cấp sản phẩm OCOP ở một số cơ sở sản xuất chưa rõ và chưa tạo được sự khác biệt. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và kênh bán sản phẩm OCOP chưa đa dạng, liên tục…
Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục lan tỏa, thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, vai trò và ý nghĩa Chương trình OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website Chương trình OCOP của tỉnh; tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các điểm bán hàng OCOP trên cả nước, thiết kế mẫu mã bao bì nâng cao giá trị sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh. Theo các chuyên gia, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Các sở, ngành, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP hiểu rõ hơn về thị trường để hướng tới tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đặc biệt, các chủ thể sản phẩm OCOP cần mở rộng liên kết, tạo dựng nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn quy định, góp phần tạo nền tảng phát triển đa dạng nhiều chủng loại sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.