Tiến sĩ Đại học Harvard: 5 cụm từ cha mẹ EQ cao không bao giờ sử dụng nhưng lại là câu 'cửa miệng' của cha mẹ EQ thấp khiến con 'thui chột'

Julia DiGangdi - một nhà tâm lý học đã chỉ ra 5 cụm từ mà các bậc cha mẹ nên tránh xa nếu muốn con cái có EQ cao.

Để nuôi dạy nên những đứa trẻ có EQ cao, cha mẹ cũng cần giao tiếp với con theo cách thông minh về mặt cảm xúc. Là một nhà tâm lý học đến từ Mỹ, Tiến sĩ Julia DiGangi đã hoàn thành khóa nội trú tại trường Y Harvard và Trường Y Đại học Boston, Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, cô đã có một thời gian dài giảng dạy về cách giao tiếp để duy trì mối quan hệ bền chặt.

Trong vấn đề dạy dỗ con cái, vị chuyên gia này đã bàn đến chuyện bố mẹ có ảnh hưởng như thế nào đến EQ của trẻ. Trên CNBC Make it, cô đã chia sẻ về các cụm từ mà cha mẹ thường nói có thể khiến trí thông minh về cảm xúc của trẻ ngày một suy giảm.

1. "Tại sao con không thể nỗ lực hơn?"

Bộ não được lập trình để hành động và bộc lộ năng lực vượt trội ở thời điểm và vị trí phù hợp.

Vì vậy, khi trẻ nhỏ gặp khó khăn, không phải vì chúng không muốn làm tốt - mà đơn giản là vì chúng không thể.

Nói cách khác, khi con mắc lỗi, vấn đề không phải là do con chưa đủ nỗ lực. Mà là có sự khác biệt giữa kỳ vọng của bạn với tư cách là cha mẹ và khả năng của chúng.

Bởi vậy, cha mẹ có EQ cao sẽ tìm điểm giao nhau giữa động lực và khả năng của của trẻ.

Giả sử con bạn đang dành quá nhiều thời gian chơi trò chơi điện tử nhưng lại có quá ít thời gian đọc sách. Bạn tránh hỏi con: "Tại sao con không nỗ lực đọc sách nhiều hơn?".

Thay vào đó, bạn hãy thử một câu hỏi mở: "Bố/mẹ thấy con thực sự thích trò chơi điện tử. Bố/mẹ muốn biết con thích gì ở chúng? Nói cho bố/mẹ nghe với được không?".

Khi con mắc lỗi, vấn đề không phải là do con chưa đủ nỗ lực. Mà là có sự khác biệt giữa kỳ vọng của bạn với tư cách là cha mẹ và khả năng của chúng. Ảnh minh họa

Khi con mắc lỗi, vấn đề không phải là do con chưa đủ nỗ lực. Mà là có sự khác biệt giữa kỳ vọng của bạn với tư cách là cha mẹ và khả năng của chúng. Ảnh minh họa

2. "Sao con hỏi nhiều thế, đừng hỏi nữa!"

Đôi khi bố mẹ cảm thấy bị phiền hoặc không muốn trả lời các câu hỏi liên tục của trẻ. Tuy nhiên, nếu cảm xúc này được thể hiện quá thường xuyên, có thể khiến trẻ cảm thấy không được quan tâm và động viên trong việc tìm hiểu thế giới xung quanh.

Trẻ em có tính tò mò và muốn khám phá thế giới, do đó việc khuyến khích và trả lời các câu hỏi của trẻ sẽ giúp trẻ phát triển tư duy, sự hiếu kỳ và khả năng học tập mới.

Thay vì dừng lại và ngăn cản sự tò mò của trẻ, cha mẹ EQ cao sẽ cố gắng giải đáp các câu hỏi của trẻ một cách tích cực và hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm thông tin phù hợp.

Bằng cách thúc đẩy sự tò mò và khám phá của trẻ, cha mẹ EQ cao giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời tạo ra một môi trường học tập và phát triển tích cực cho trẻ.

3. "Tại sao con không nghe lời bố mẹ?"

Tiến sĩ Julia DiGangi cho biết đã từng làm việc với một phụ huynh có con gái gặp khó khăn về việc bày tỏ cảm xúc.

Họ đã rất thất vọng vì khi đến cửa phòng khám, em bé từ chối ra khỏi xe để gặp bác sĩ.

Nhưng khi có cơ hội được nói chuyện với cô bé, Julia hiểu rằng đứa trẻ này cảm thấy khó chịu với tiếng nhạc ở phòng khám. Sau đó, vấn đề dễ dàng được khắc phục bằng một chiếc bịt tai.

Cuối cùng, vấn đề thực sự là cha mẹ không lắng nghe nhu cầu của con trẻ.

Bộ não của trẻ được "thiết kế" để có tính tự chủ và nhu cầu khám phá thế giới dựa trên cá tính riêng của chúng, chứ không phải dựa trên niềm tin của bố mẹ về việc chúng nên trở thành ai.

Nếu cha mẹ đang bất đồng quan điểm với con cái. Thay vì hỏi tại sao chúng không nghe lời, hãy cân nhắc hỏi: "Bố mẹ đã thực sự hiểu con chưa?".

Những bậc cha mẹ thông minh về mặt cảm xúc sẽ không bắt con phải tuân theo những yêu cầu của mình. Thay đó, họ mong muốn được kết nối để lắng nghe những trải nghiệm của con.

Những bậc cha mẹ có EQ cao sẽ không bắt con phải tuân theo những yêu cầu của mình. Ảnh minh họa

Những bậc cha mẹ có EQ cao sẽ không bắt con phải tuân theo những yêu cầu của mình. Ảnh minh họa

4. "Lớn thế rồi còn suốt ngày mắc lỗi"

Nhiều phụ huynh thường dùng câu nói này để chỉ ra sự thất vọng khi trẻ chưa làm được điều gì đó như mong muốn.

Tuy nhiên, mọi người đều có thể mắc lỗi và không ai hoàn hảo. Việc mắc lỗi là một phần không thể thiếu của quá trình học tập và phát triển của trẻ.

Việc bị chỉ trích và bực tức khi mắc lỗi có thể khiến trẻ cảm thấy bất an và thiếu tự tin trong quá trình học tập và phát triển của mình.

Thay vì đánh giá và chỉ trích, những bậc cha mẹ thông minh về mặt cảm xúc cố gắng giữ thái độ ôn hòa, tìm cách giúp con hiểu rõ hơn về hành động của mình, tìm ra nguyên nhân của sai lầm và hướng dẫn trẻ cách khắc phục.

Đồng thời, họ thúc đẩy trẻ phát triển tư duy sáng tạo, khuyến khích con mạo hiểm và học hỏi từ kinh nghiệm của mình.

5. "Con thật là thiếu tôn trọng"

Tiến sĩ Julia DiGangi thường thấy các bậc phụ huynh hay đưa ra kết luận một cách vội vàng với những lời nói khó nghe về hành vi của con cái.

Một cặp vợ chồng đã nói với Julia rằng: "Đứa con đang ở tuổi nổi loạn không tôn trọng chúng tôi".

Lý do là cậu bé không chịu nghe lời khi được yêu cầu hoàn thành bài tập khoa học. Nhưng khi chính bậc phụ huynh này nêu lên mối quan tâm của họ, đứa con đã trả lời một cách dứt khoát rằng: "Con có tôn trọng bố mẹ! Chỉ là môn học này không phải sở trường của con".

Như vậy, cách trò chuyện thông minh nhất với con trẻ là hãy đặt câu hỏi cụ thể, không phán xét, sau đó khẳng định rằng bạn sẵn sàng lắng nghe.

Cha mẹ có thể nói rằng: "Mẹ thấy con chỉ đạt được 64% số điểm trong bài kiểm tra khoa học gần đây nhất. Con có thể cho mẹ biết tại sao lại như vậy được không? Mẹ muốn nghe những khó khăn con đang gặp phải".

Cảm xúc của trẻ có thể ảnh hưởng đến cha mẹ. Khi chúng bị xáo trộn, bạn cũng bị tác động. Vì vậy, khi những cảm xúc mạnh mẽ dân lên, điều dễ hiểu là cha mẹ muốn kiểm soát cảm xúc của con bằng cách bắt chúng im lặng, bình tĩnh lại.

Nhưng với tư cách là những phụ huynh có trí tuệ cảm xúc cao, nhiệm vụ của bạn không phải là kiểm soát cảm xúc của con. Điều quan trọng bạn cần làm là làm chủ cảm xúc của chính mình.

Sự nêu gương của cha mẹ là rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ

Bố mẹ chỉ cần nắm vững phương pháp có thể hướng dẫn con thay đổi, trở thành những đứa trẻ có EQ cao. Ảnh minh họa

Bố mẹ chỉ cần nắm vững phương pháp có thể hướng dẫn con thay đổi, trở thành những đứa trẻ có EQ cao. Ảnh minh họa

Trong phim tài liệu giáo dục gia đình "Tấm gương" có nói: "Trẻ em như một tờ giấy trắng, chúng sẽ là những tác phẩm hay hoặc dở đều phụ thuộc vào những gì cha mẹ viết lên trang giấy ấy".

Điều này cũng có nghĩa, muốn con cái trở thành người như thế nào thì trước hết bố mẹ phải trở thành người như thế.

Nhiều cha mẹ cứ rỗi rãi là ôm điện thoại di động nhưng lại luôn phàn nàn con mình không thích học và học không giỏi như những đứa trẻ khác.

Thực tế nếu cha mẹ muốn trẻ giỏi như "con nhà người ta", trước tiên phải trở thành "cha mẹ nhà người ta".

Khi Mạc Ngôn (nhà văn nổi tiếng Trung Quốc) đạt giải Nobel, ông nói rằng: "Điều đầu tiên mỗi người khi sinh ra nhận được chính là giáo dục gia đình, ảnh hưởng lớn nhất cũng là giáo dục gia đình. Đây là cách giáo dục bằng lời nói và hành động, tức là dạy người khác thế nào, mình phải làm như vậy. Bản thân tôi cũng cảm thấy giáo dục bằng hành động quan trọng hơn lời nói. Trong gia đình bạn sống, cách người lớn đối xử với công việc, với người khác có ảnh hưởng trực tiếp, vô thức làm thay đổi đứa trẻ".

Điều quan trọng nhất để có một nền giáo dục gia đình tốt không bao giờ là sự dư dả về vật chất, mà là tấm gương của cha mẹ.

Khi bạn tốt hơn, đứa trẻ sẽ tốt hơn; khi cha mẹ tốt hơn, mọi thứ cũng sẽ tốt hơn.

Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn giáo dục và hướng dẫn trẻ cẩn thận. Trên con đường trưởng thành, hãy để trí tuệ xúc cảm cao giúp trẻ dũng cảm mở cánh cửa ra thế giới.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tien-si-dai-hoc-harvard-5-cum-tu-cha-me-eq-cao-khong-bao-gio-su-dung-nhung-lai-la-cau-cua-mieng-cua-cha-me-eq-thap-khien-con-thui-chot-172241124113404225.htm
Zalo