Tiền mặt mất dần vị thế tại Eurozone
Tiền mặt đang nhanh chóng mất đi vị thế là phương thức thanh toán chính tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 19/12, tiền mặt đang nhanh chóng mất đi vị thế là phương thức thanh toán chính tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), một trong những khu vực phát triển vốn được biết đến với sự "bảo thủ" trước sự trỗi dậy của thanh toán điện tử.
Nghiên cứu hai năm một lần về Thái độ Thanh toán của Người tiêu dùng tại Eurozone (SPACE) của ECB cho thấy, tiền mặt hiện chỉ chiếm hơn 52% tổng số giao dịch, giảm so với mức 59% trong năm 2022. Con số này từng đạt mức cao nhất là 79% trong năm 2016.
Trong khi đó, thanh toán bằng thẻ tiếp tục gia tăng, từ 34% lên 39% trong hai năm qua. Thanh toán di động cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tăng gấp đôi lên 6%.
Những kết quả này được cho là sẽ củng cố thêm lập luận của ECB về sự cần thiết phải giới thiệu đồng euro kỹ thuật số, một dạng ví điện tử được ngân hàng trung ương đảm bảo. Mục tiêu là đảm bảo người dân vẫn có quyền truy cập vào một phương tiện thanh toán an toàn, ngay cả trong một thế giới không tiền mặt.
Ông Piero Cipollone, thành viên Ban điều hành ECB, cho biết bằng cách hỗ trợ cả tiền mặt và sự phát triển của đồng euro kỹ thuật số, ECB muốn khẳng định vai trò của mình trong việc cung cấp tiền tệ an toàn và đáng tin cậy cho người dân.
Về giá trị giao dịch, giao dịch thẻ đã vượt giao dịch bằng tiền mặt từ lâu, chiếm 45% tổng giá trị các giao dịch bằng đồng euro trong khảo sát gần đây, so với 39% của tiền mặt.
Trong khi đó, tại Thụy Điển, một quốc gia thành viên EU có tỷ lệ thanh toán điện tử cao nhất, các cơ quan chức năng đang lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra nếu các kênh thanh toán này bị gián đoạn.
Trong một tài liệu hướng dẫn có tên "Nếu có khủng hoảng hoặc chiến tranh", Thụy Điển khuyến cáo người dân nên giữ đủ tiền mặt để sử dụng trong một tuần.
Ngân hàng trung ương nước này đã kêu gọi chính phủ buộc các doanh nghiệp bán các mặt hàng thiết yếu như thuốc theo toa, thực phẩm và nhiên liệu phải chấp nhận tiền mặt. Đồng thời, Thụy Điển cũng tăng cường các biện pháp an ninh mạng trong hệ thống tài chính.
Với việc hầu hết các ngân hàng không còn cung cấp dịch vụ tiền mặt tại các chi nhánh, ngân hàng trung ương Thụy Điển đã mở một số kho tiền mặt để đảm bảo người dân trên cả nước có thể tiếp cận tiền mặt.