Tiền gửi người dân vào ngân hàng cao kỷ lục

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,8 triệu tỷ đồng trong khi lãi suất huy động tăng trở lại.

Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, phản ánh xu hướng người dân tìm kiếm sự an toàn trong việc gửi tiền vào ngân hàng trong bối cảnh các yếu tố kinh tế không ổn định. Cụ thể, so với cuối năm 2023, lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm 305.672 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,68%. So với cùng kỳ năm trước, số tiền này tăng mạnh, thêm 448.820 tỷ đồng.

Mặt khác, số tiền gửi của các tổ chức lại ghi nhận sự giảm nhẹ, cho thấy sự phân bổ vốn của các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác.

Cụ thể, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng thấp hơn của dân cư, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 1,07% so với cuối năm ngoái.

Tiền gửi cư dân vào ngân hàng liên tục tăng thời gian qua.

Tiền gửi cư dân vào ngân hàng liên tục tăng thời gian qua.

Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu kỷ lục trong năm 2023. Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khó đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh; các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trở lại kể từ tháng 4/2024 được xem là nguyên nhân khiến kênh tiền gửi ngân hàng hấp dẫn.

Trong tháng 9, các nhà băng tăng lãi suất, bao gồm: Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank, NCB, OCB, BVBank, PGBank, Nam A Bank... với xu hướng tăng chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn. Trước đó, tháng 7 có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động; Sang tháng 8 thị trường có 15 ngân hàng tăng lãi suất.

So với đầu năm nay, lãi suất huy động các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,5% - 1%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài tăng vượt ngưỡng 6%/năm tại nhiều ngân hàng.

Thị trường hiện có 9 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6%/năm mà không yêu cầu điều kiện tiền gửi như: NCB dẫn đầu thị trường với mức lãi suất 6,15%/năm, kỳ hạn 18 - 36 tháng.

Hiện xu hướng tăng lãi suất vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Về xu hướng lãi suất cuối năm, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là giai đoạn "mùa" cho vay của các ngân hàng. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu vốn, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động để bảo đảm lượng tiền luôn được thông suốt trên thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc lãi suất huy động có xu hướng tăng dịp cuối năm

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng tăng lãi suất huy động tiếp tục những tháng cuối năm. Theo đó, lãi suất cho vay cũng sẽ có điều chỉnh tăng theo lãi suất huy động. Việc lãi suất tăng là dấu hiệu của sự sôi động kinh tế, khi cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều gia tăng nhu cầu vay vốn. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất huy động nhằm thu hút thêm tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn từ khách hàng.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tien-gui-nguoi-dan-vao-ngan-hang-cao-ky-luc-post1678836.tpo
Zalo