Tiền Giang vươn lên với thế mạnh về sản phẩm OCOP
So với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang chiếm gần 12 % tổng số sản phẩm OCOP của vùng, xếp thứ 3 sau tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Trà Vinh.
Ngày 28/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Công bố kết quả đánh giá, phân hạng và trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2024; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
So với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đóng góp 11,09% tổng số sản phẩm OCOP của vùng, xếp thứ 3 sau tỉnh Đồng Tháp (453 sản phẩm) và tỉnh Trà Vinh (345 sản phẩm), khẳng định vị trí quan trọng trong Chương trình OCOP.
Đồng chí Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - đề nghị Sở NN&PTNT, các đơn vị, địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn xa.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Tiền Giang, trong những năm qua, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: lúa gạo, sản phẩm từ cây ăn trái và thủy sản. Toàn tỉnh hiện đã có hơn 160 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, như: sầu riêng, xoài, thanh long, khóm, gạo đặc sản…
Sản phẩm OCOP của tỉnh đã bám sát các yêu cầu của chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối.
Sản phẩm OCOP của tỉnh tăng mạnh về số lượng, vượt mục tiêu ban đầu đề ra là đến năm 2025 có 200 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Nhiều chủ thể sản xuất sau khi có sản phẩm được công nhận OCOP từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 336 sản phẩm OCOP gồm: 18 sản phẩm tiềm năng 5 sao (gồm 1 sản phẩm trà mãng cầu Xiêm đã trình Trung ương xem xét và 17 sản phẩm gồm Điểm Du lịch Trại rắn Đồng Tâm, 16 sản phẩm socola đang hoàn thiện Hồ sơ để trình Trung ương), 70 sản phẩm 4 sao và 248 sản phẩm 3 sao với 160 chủ thể (29 hợp tác xã, 52 doanh nghiệp và 79 hộ sản xuất, kinh doanh).
Từ năm 2020, lần đầu tiên, tỉnh Tiền Giang xét công nhân 28 sản phẩm OCOP và đến năm 2023 có 259 sản phẩm và năm 2024 là 336 sản phẩm OCOP; số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP càng tăng.
Tiền Giang là một trong các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 80.000 ha và sản lượng hàng năm trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, Bưởi, Sầu riêng Cai Lậy, trái sữa Vĩnh Kim, Khóm Tân Phước, Thanh long Chợ Gạo… Địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; tỉnh hiện có diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên 15.000 ha, sản lượng khai thác trên 360.000 tấn/năm.