Tiêm vaccine, cách duy nhất để phòng tránh bệnh dại

Đã có khoảng 20 người không qua khỏi do chó, mèo cắn từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh nhiều địa phương đã bước vào mùa nắng nóng, bệnh dại có nguy cơ sẽ tăng cao.

Tiêm vaccine kịp thời là biện pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh dại. Ảnh: VNVC.

Tiêm vaccine kịp thời là biện pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh dại. Ảnh: VNVC.

Hồi đầu tháng 2, người đàn ông 57 tuổi (ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) bị chó của nhà hàng xóm cắn vào chân. Vì vết cắn nhẹ, ông chỉ rửa vết thương mà không đi tiêm vaccine phòng dại cũng như huyết thanh kháng dại. Sau 2 tháng, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau họng. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn chỉ sau 24 giờ với các dấu hiệu thở hụt hơi, sợ nước, sợ gió, nghẹn và khó nuốt. Người bệnh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Với các triệu chứng lâm sàng kết hợp với tiền sử bị chó cắn, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại. Sau khi bác sĩ giải thích tình trạng và tiên lượng bệnh, gia đình đã xin cho người bệnh xuất viện. Người đàn ông tử vong tại nhà vào trưa cùng ngày.

Tính từ đầu năm đến nay, số ca không qua khỏi liên quan đến bệnh dại của tỉnh Bình Thuận là 4 trường hợp.

Câu chuyện của người đàn ông trên không phải là trường hợp duy nhất. Tại tỉnh Bắc Kạn, một cháu bé 7 tuổi cũng không qua khỏi sau khi bị chó cắn vào tay vào đầu tháng 3, do không tiêm vaccine phòng dại. Mặc dù cháu bé đã được tiêm vaccine sau một thời gian, nhưng các triệu chứng bệnh dại vẫn xuất hiện và đã quá muộn để cứu chữa.

Bệnh dại, do virus dại gây ra, là một căn bệnh có tỷ lệ tử vong gần như 100% khi các triệu chứng xuất hiện. Dù tưởng chừng là căn bệnh đã quen thuộc do lưu hành ở nước ta nhiều năm và có thể phòng tránh, thế nhưng mỗi năm dịch bệnh này vẫn âm thầm cướp đi nhiều sinh mạng.

BSCKI Lê Thị Trúc Phương – Chuyên viên Y khoa (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho hay: “Virus dại có khả năng tránh né hệ miễn dịch và vô hiệu hóa hàng rào máu não khi xâm nhập vào não, khiến thuốc kháng virus không thể tiếp cận và tiêu diệt virus dại. Điều này khiến các phương pháp điều trị không còn hiệu quả, dẫn đến tỉ lệ tử vong tuyệt đối 100% khi bệnh dại đã phát bệnh”. Do đó, các khuyến cáo phòng chống bệnh dại hiện nay đều kêu gọi người dân tiêm phòng dại càng sớm càng tốt sau khi khi bị động vật cắn, đồng thời tiêm vaccine cho vật nuôi. Can thiệp sớm trước khi bệnh dại khởi phát và dự phòng bệnh trong cộng đồng giúp bảo vệ nhiều sinh mạng trước căn bệnh này.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM khuyến cáo, chủ động và kịp thời tiêm vaccine là cách duy nhất để phòng ngừa bệnh dại. Nếu bị động vật cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở, cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong 24 giờ đầu tiên, để cơ thể kịp tạo kháng thể ngăn chặn virus. Đặc biệt, với vết thương nặng hoặc ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu chi hoặc bộ phận sinh dục, việc tiêm vaccine ngay lập tức là cực kỳ quan trọng.

Tại Việt Nam, hiện đã có những loại vaccine được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy trên tế bào Vero, khả năng đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều theo chỉ định, đảm bảo an toàn và không gây ra các phản ứng sau tiêm có hại cho sức khỏe.

Khi bị động vật cắn hoặc cào, phác đồ tiêm phòng dại sau phơi nhiễm sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng vết thương, vị trí cắn, khả năng theo dõi con vật trong 10 ngày và các yếu tố sức khỏe như suy giảm miễn dịch. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, người dân cần đến cơ sở y tế ngay sau khi bị động vật cắn để được bác sĩ thăm khám và lựa chọn phác đồ tiêm phù hợp.

Trong nhiều tình huống, vaccine hoặc huyết thanh kháng dại có thể khan hiếm hoặc không có sẵn tại một số cơ sở y tế, trong khi huyết thanh cũng tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng cao. Chính vì thế, tiêm vaccine dự phòng dại trước phơi nhiễm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phòng tránh những rủi ro đến từ tình trạng thiếu thuốc hoặc tác dụng phụ không đáng có. Chủ động tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ mạng sống trước căn bệnh dại nguy hiểm.

TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Theo thống kê, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9 trong năm. Do vậy, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục. Một phần do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiem-vaccine-cach-duy-nhat-de-phong-tranh-benh-dai-10304379.html
Zalo