Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát

Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh trở lại, đặc biệt tại các thành phố lớn và khu vực có mật độ dân cư cao.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng. Ảnh: BV Bạch Mai.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng. Ảnh: BV Bạch Mai.

Nhiều ca mắc nặng

Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) thông tin, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4, cả nước ghi nhận hơn 4.000 ca mắc SXH, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024. Trong bối cảnh mùa dịch SXH đang tới gần - số mắc hàng năm tại nước ta có xu hướng tăng cao nhất từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, hiện nay, tại nhiều địa phương cũng đã ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì biến chứng của SXH. Cụ thể, chị N.T.Q.N. (28 tuổi, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức tim phổi nhưng khoảng 15 phút sau bệnh nhân đã không qua khỏi. Bệnh nhân bị SXH nặng, thể xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, biến chứng sốc nhiễm trùng và suy đa tạng.

Còn tại TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng vừa cứu sống bệnh nhi L.T.C.T. (nữ, 9 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) bị sốc SXH nặng. Theo người nhà bệnh nhi, trước đó bé sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi có biểu hiện đau bụng, nôn ra dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh nên người nhà đưa trẻ đến bệnh viện địa phương, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán sốc SXH nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng.

Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan. Kết quả qua gần 2 tuần điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.

Virus Dengue đang hoạt động mạnh

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2025 được có thể là thời điểm chu kỳ bùng dịch cao và việc ghi nhận các ca mắc tăng nhanh ngay từ đầu năm cho thấy virus Dengue – tác nhân gây bệnh SXH đang hoạt động mạnh hơn bình thường.

Theo BSCKI Vương Ngọc Thiên Thanh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, từ năm 2023 đến nay, SXH diễn biến phức tạp và khác thường hơn so với mọi năm. Nếu như trước đây, SXH thường diễn biến theo mùa, mùa mưa là mùa cao điểm của SXH do liên quan đến sự sinh sản của loài muỗi. Hiện nay, dưới tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu – hiện tượng nóng lên toàn cầu, quá trình đô thị hóa hay giao thương phát triển cùng sự phát triển trong khả năng kháng thuốc của muỗi, dịch SXH ngày càng khó lường. Bệnh SXH tại nước ta hiện có số ca rải rác quanh năm và xuất hiện khắp cả nước.

Chuyên gia cũng đề cập, một trong những yếu tố nguy cơ khiến dịch có khả năng diễn biến phức tạp là tâm lý chủ quan của không ít người, chỉ phòng ngừa SXH vào mùa mưa mà bỏ qua nguy cơ bệnh xuất hiện sớm trong những tháng đầu năm. Người dân thường không chú trọng việc thả cá vào bể nước, lật úp các vật dụng đọng nước hoặc phun thuốc muỗi phòng dịch trong giai đoạn đầu năm. Theo thời gian, khi lượng muỗi truyền bệnh tăng cao, cộng thêm việc mức độ miễn dịch cộng đồng thấp sau vài năm dịch giảm, virus Dengue dễ dàng lan nhanh trong các khu vực cộng đồng từ nông thôn đến thành thị.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có văn bản Bộ Y tế đề nghị các địa phương ban hành kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Asean phòng chống SXH lần thứ 15 (15/6/2025). Chủ động truyền thông phòng chống SXH trước mùa dịch và triển khai các hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH…

DƯƠNG TOÀN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dich-sot-xuat-huyet-co-nguy-co-bung-phat-10304381.html
Zalo