Tiềm năng hạt nhân: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên năng lượng mới với quyết định tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiến sĩ Phùng Quốc Trí, một chuyên gia hạt nhân người Việt đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu nguyên tử SCK CEN (Bỉ), và ông Eric Van Vaerenbergh, chuyên gia năng lượng Bỉ, đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về quyết định này và những thách thức mà Việt Nam cần đối mặt.
Theo Tiến sĩ Phùng Quốc Trí, việc phát triển năng lượng hạt nhân là bước đi chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Năng lượng hạt nhân không chỉ cung cấp nguồn điện ổn định, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, quá trình phát triển năng lượng hạt nhân cũng đi kèm với những thách thức lớn. Tiến sĩ Phùng Quốc Trí đã chỉ ra ba vấn đề cốt lõi mà Việt Nam cần quan tâm. Trước hết là lựa chọn công nghệ. Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa các công nghệ hạt nhân truyền thống và các công nghệ mới như lò phản ứng cỡ nhỏ (SMR). Mặc dù công nghệ truyền thống đã được kiểm chứng qua thời gian, nhưng các SMR lại có ưu điểm về khả năng giảm thiểu chất thải phóng xạ và tăng cường an toàn.
Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nhà máy điện hạt nhân là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, Việt Nam cần có những chiến lược truyền thông hiệu quả để giải đáp những lo ngại của người dân và xây dựng sự đồng thuận xã hội.
Quản lý chất thải hạt nhân là một trong những thách thức nan giải nhất của ngành năng lượng hạt nhân. Việt Nam cần đầu tư vào các công nghệ xử lý và lưu trữ chất thải hiện đại, đồng thời xây dựng một cơ chế quản lý chất thải chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Với kinh nghiệm làm việc tại trung tâm nghiên cứu nguyên tử hàng đầu châu Âu, Tiến sĩ Phùng Quốc Trí tin rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế có thể trở thành cầu nối quan trọng, giúp Việt Nam tiếp cận những công nghệ hạt nhân tiên tiến nhất. Bằng cách chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và hợp tác nghiên cứu, chúng ta có thể xây dựng một đội ngũ chuyên gia hạt nhân chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng hạt nhân tại Việt Nam.
Ông Eric Van Vaerenbergh, chuyên gia năng lượng với nhiều năm kinh nghiệm, hiện là Tổng Giám đốc công ty Atenas Belgium chuyên về kiểm định và tư vấn trong lĩnh vực điện, cũng đã đưa ra những nhận định sâu sắc về quyết định tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận của Việt Nam.
Theo ông Van Vaerenbergh, quyết định của Chính phủ Việt Nam tái khởi động ngành năng lượng hạt nhân được xem là bước đi đúng đắn và mang tính chiến lược cao. Ông nhấn mạnh rằng năng lượng chính là một trụ cột thiết yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia, và nếu được triển khai hiệu quả, Việt Nam có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong ngành năng lượng và công nghiệp khu vực châu Á, đồng thời đóng vai trò là hình mẫu về sự thịnh vượng bền vững cho người dân.
Quyết định của Việt Nam khôi phục các dự án điện hạt nhân được xem là phản ứng kịp thời trước nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, cùng với yêu cầu giảm phát thải CO2 và ô nhiễm không khí. Theo ông Eric Van Vaerenbergh, quyết định này không chỉ mang lại những lợi ích to lớn về mặt năng lượng mà còn tạo động lực phát triển công nghiệp bền vững và góp phần bảo vệ môi trường.
Chuyên gia năng lượng Eric Van Vaerenbergh cho rằng năng lượng hạt nhân sẽ là một nguồn cung cấp điện ổn định, ít bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên hay biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Thêm vào đó, các nguồn nhiên liệu hạt nhân phân bổ đồng đều trên toàn thế giới, giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguồn năng lượng không ổn định hoặc bị chi phối bởi các yếu tố ngoại cảnh. Đây là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Van Vaerenbergh nhấn mạnh, với sự phát triển của công nghệ lò phản ứng mới, Việt Nam có thể sản xuất năng lượng sạch, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và góp phần vào chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việt Nam còn có cơ hội tận dụng những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ lò phản ứng thế hệ mới mà các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đã phát triển. Các công nghệ này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất điện mà còn cải thiện mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.
Theo ông Van Vaerenbergh, Việt Nam hiện sở hữu nền tảng vững chắc để phát triển năng lực trong lĩnh vực an toàn hạt nhân. Với dân số trẻ, có trình độ học vấn cao và chất lượng giáo dục đạt gần chuẩn các quốc gia thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OECD), Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển các kỹ năng cần thiết cho ngành điện hạt nhân. Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam đã và đang hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong đào tạo nhân lực và quản lý, điều này là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn trong vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Chuyên gia năng lượng Eric Van Vaerenbergh nhận định, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chương trình năng lượng hạt nhân, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Việc duy trì các chính sách ổn định và tránh các biện pháp ngắn hạn, thiếu chắc chắn sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc từ phía các nhà đầu tư, đồng thời hạn chế rủi ro chính trị tương tự những gì đã xảy ra tại một số quốc gia phương Tây, như Đức và Bỉ.
Ngoài ra, ông Van Vaerenbergh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tài chính cho các dự án hạt nhân. Ông đề xuất việc xây dựng các cơ chế tài chính bảo vệ khoản đầu tư, đồng thời khuyến nghị áp dụng các cơ chế trả thưởng dựa trên sản lượng điện (MWh) và mức thuế hợp lý đối với lợi nhuận từ các nhà máy điện hạt nhân. Những chính sách này sẽ là yếu tố kích thích sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống ngân hàng đủ mạnh để hỗ trợ tài trợ cho các khoản vay trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành năng lượng hạt nhân trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Việc chuyển giao công nghệ và xây dựng các đối tác kỹ thuật quốc tế là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận những tiến bộ mới nhất trong công nghệ hạt nhân. Đồng thời, để đảm bảo sự chấp nhận của công chúng và thu hút sự ủng hộ từ các nhà đầu tư, việc triển khai các chiến dịch truyền thông khoa học hợp lý, minh bạch và công bằng là điều thiết yếu. Chuyên gia Eric Van Vaerenbergh nhấn mạnh rằng mặc dù năng lượng hạt nhân vẫn còn một số rủi ro, nhưng đây là nguồn năng lượng với nhiều ưu điểm vượt trội như tỷ lệ tử vong thấp nhất, mật độ năng lượng cao, ít tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và có thể tái sử dụng nhiên liệu trong các lò phản ứng thế hệ mới để tạo ra năng lượng lâu dài. Những lợi thế này khiến năng lượng hạt nhân trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho tương lai của Việt Nam.
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng hạt nhân, nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và các đối tác chiến lược quốc tế, sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giúp Việt Nam đối mặt với những thách thức toàn cầu về khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây là một quyết định táo bạo nhưng hợp lý, có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành điện hạt nhân, ông Van Vaerenbergh cho rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong việc xây dựng mạng lưới truyền tải điện mới và các cơ sở hiện đại để phục vụ cho các nhà máy điện hạt nhân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện, việc phát triển năng lượng hạt nhân tại Việt Nam không chỉ giúp tăng trưởng thịnh vượng mà còn đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ cuộc sống của người dân trong nước, cũng như góp phần vào nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm ở các quốc gia khác.
Theo chuyên gia Van Vaerenbergh, việc phát triển năng lượng hạt nhân có thể giúp Việt Nam trở thành một cường quốc năng lượng trong khu vực Đông Nam Á. Với đặc thù lãnh thổ trải dài, Việt Nam có thể dễ dàng kết nối với các thị trường có nhu cầu điện năng cao. Các tuyến lưới điện nối liền Việt Nam với các quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước Đông Nam Á khác mở ra cơ hội xuất khẩu điện, từ đó giúp cải thiện cán cân thương mại quốc gia.
Với tầm nhìn chiến lược rõ ràng và kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân táo bạo nhưng có tính toán, Việt Nam có thể biến năng lượng hạt nhân trở thành nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng.