AI lạc quan & AI lo lắng?

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được xem là thuật ngữ 'hot' nhất của vài năm qua, xuất hiện cả trong những tình huống từng được cho là viễn tưởng và điên rồ nhất.

Những nông dân kháo nhau về những công nghệ mới có ứng dụng AI giúp mùa màng, bầy gia súc, gia cầm đạt năng suất hơn. Những đứa trẻ đua nhau hỏi ChatGPT đáp án bài toán mà giáo viên vừa đặt ra. Từ những họa sĩ đến những phóng viên, người viết lách, nhà thơ, các vận động viên thể thao đến giới luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà đầu tư chứng khoán… ai cũng dần cảm nhận được sự hiện diện và dần có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của AI trong đời sống, công việc.

Ở phạm trù vĩ mô hơn, cuộc thảo luận về “chiến tranh giữa các vì sao” - vốn chỉ là những tác phẩm hư cấu sử thi không gian - nay đã trở nên sôi nổi và bắt đầu có cơ sở hơn bao giờ hết. Các cường quốc bắt đầu bước vào “cuộc chiến mới”, sự cạnh tranh và đối đầu nhằm chuyển dịch, đoạt ưu thế về quyền lực công nghệ mà đứng đầu là AI, máy học trong an ninh - quân sự, kinh tế - xã hội…

Ai lạc quan còn ai lo lắng trước viễn cảnh có cả AI lạc quan và AI lo lắng?

 Cuộc chạm trán giữa kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới Lee Sedol và AlphaGo vào năm 2016 gây sốc cho thế giới khi trí tuệ con người đã thất bại trước trí tuệ nhân tạo.

Cuộc chạm trán giữa kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới Lee Sedol và AlphaGo vào năm 2016 gây sốc cho thế giới khi trí tuệ con người đã thất bại trước trí tuệ nhân tạo.

Thực tế không phải mới đây mà gần bảy thập niên trước (năm 1956), thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” đã được nhắc đến tại Hội nghị Dartmouth bởi nhà khoa học máy tính John McCarthy. Liên tiếp vài thập niên sau, AI hiện diện một cách mơ hồ, chủ yếu trở thành chất liệu cho các bộ phim viễn tưởng, thuyết âm mưu, truyện tranh...

Mọi chuyện đã trở nên chấn động khi giai đoạn 2016-2017, ứng dụng AI mang tên AlphaGo đánh bại những cao thủ hàng đầu thế giới môn cờ vây, môn thể thao trí tuệ - chiến lược vô cùng phức tạp. Đó cũng là khi các ứng dụng tưởng chừng chỉ xuất hiện trong sách khoa học viễn tưởng hay các tập truyện tranh Doraemon đã xuất hiện trong đời thực: AI có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán, theo dõi bệnh lý, giảm thiểu sai sót do chủ quan, tối ưu hóa chi phí chữa bệnh; trở thành trợ lý ảo cho các thẩm phán đưa ra quyết định một cách công tâm, xác đáng; đưa ra các dự báo, lời khuyên cho các nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản… Thậm chí, trong một số trường hợp người ta cho là điên rồ nhất, AI còn giúp tìm kiếm người bạn đời phù hợp nhất.

Nhiều nhà báo, tác giả viết sách, họa sĩ, giáo viên, luật sư… đã bắt đầu lo lắng ngày nào đó AI sẽ có thể thay thế họ. Báo chí - truyền thông và vô số nhà lãnh đạo tư tưởng, chính trị gia đã cảnh báo AI sẽ thay thế con người trong hàng triệu công việc, xung đột với con người trong cả những lĩnh vực đòi hỏi những “siêu não bộ”, chứ không đơn thuần là việc chân tay như phong trào đập phá máy móc và đốt công xưởng nổ ra mạnh mẽ ở Anh hồi cuối thế kỷ 18.

Nhà sử học, triết gia Yuval Noah Harari, một trong những trí giả đại chúng ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay, trong quyển Nexus - Lược sử của những mạng lưới thông tin từ thời đại đồ đá đến trí tuệ nhân tạo đã dẫn lại câu chuyện về chàng học đồ của một thầy phù thủy trong bài thơ của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe. Theo đó, chàng học đồ đã dùng bùa chú để lệnh cho cây chổi gánh nước, làm việc nhà thay mình nhưng không biết cách giải chú. Cây chổi gánh nước không ngừng, đe dọa gây ngập. Hoảng loạn, anh chàng lấy rìu chặt cây chổi làm đôi nhưng lại thành hai cây chổi mới tiếp tục gánh nước cho tới khi thầy phù thủy trở về nhà và giải chú. Hình ảnh cây chổi và chàng học đồ cùng nhiều ví dụ khác cho thấy lo ngại sức mạnh của AI có thể vượt xa trí tưởng tượng và sự kiểm soát của con người.

Thế nhưng cũng có những góc nhìn lạc quan hơn về AI. Năm 2023, loài người “phục thù” AI khi Kellin Pelrine (người Mỹ) đã đánh bại AI trong môn cờ vây bằng cách vận dụng một phần mềm AI khác để “điểm huyệt” vào chính các sơ hở của AI. Cũng như cách thầy phù thủy giải chú cho cây chổi trong bài thơ của đại thi hào Goethe, suy cho cùng thì AI cũng là sản phẩm do con người tạo ra và có thể khắc chế. Những người theo trường phái lạc quan tin rằng báo chí - truyền thông và nhiều nhà khoa học đã thổi phồng những rủi ro từ AI vốn có thể được kiểm soát.

Nhóm tác giả Chen Qiufan, Kai-Fu Lee trong quyển AI 2041 - 10 viễn cảnh cho tương lai cho rằng về tổng thể, AI sẽ giúp chúng ta hướng đến một thế giới hạnh phúc hơn. AI sẽ giúp con người giải quyết những công việc lặp đi lặp lại, các phép tính định lượng đồ sộ và tối ưu hóa thời gian, tiền bạc, sức khỏe mà chúng ta đầu tư cho công việc. Trong khi đó, con người sẽ chuyên tâm hơn vào việc sáng tạo, truyền cảm hứng và đổ dồn mọi đam mê vào công việc để tạo được đột phá.

Như cách con người sáng tạo ra công cụ bằng đá, rồi kim loại cho tới khi phát minh ra điện và các loại động cơ giúp giải phóng sức lao động, tối ưu sức mạnh của đôi tay và khối óc, mỗi khi bắt đầu một thời đại mới, lạc quan và lo lắng đều xuất hiện. Nhưng dù thế nào thì xu hướng chung của xã hội loài người là tiến về phía trước, ngay cả khi chúng ta gặp phải những khó khăn nhất thời như việc chàng học đồ đã có lúc mất khả năng kiểm soát cây chổi được phù phép.

GIA THUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ai-lac-quan-ai-lo-lang-post829752.html
Zalo