Lận đận ở nhiều nước, vì sao TikTok vẫn sôi động tại Việt Nam?

Sau sắc lệnh hoãn thực thi lệnh cấm TikTok trong 75 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tương lai lâu dài của mạng xã hội này vẫn là dấu hỏi.

Sắc lệnh nói trên được ông Trump ký ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, nhằm trì hoãn Đạo luật Ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát, được Quốc hội Mỹ thông qua, sau đó cựu Tổng thống Joe Biden ký ban hành vào tháng 4-2024. Theo đạo luật, TikTok phải bị cấm tại Mỹ từ ngày 19-1.

Bị hạn chế tại nhiều thị trường

Lý do Mỹ cấm TikTok liên quan đến bảo mật thông tin người dùng và nguy cơ thao túng nội dung theo cách có lợi cho các quan điểm của chính phủ Trung Quốc thông qua nền tảng này.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã "giải cứu" ứng dụng này trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 19-1, đúng ngày TikTok nhận "án tử" tại Mỹ. "Tôi muốn Mỹ nắm giữ 50% cổ phần trong một liên doanh. Bằng cách này, chúng ta cứu TikTok, giữ nó trong tay những người tốt và cho phép nó lên tiếng" - ông Trump viết.

Sau tuyên bố trên của ông Trump, TikTok đã khôi phục dịch vụ tại Mỹ.

Ứng dụng TikTok thể hiện sức hút với giới trẻ nhiều nước

Ứng dụng TikTok thể hiện sức hút với giới trẻ nhiều nước

Ấn Độ - quốc gia đông gia nhất thế giới, từng là thị trường lớn nhất của TikTok với gần 200 triệu TikToker vào năm 2020 - cũng bất ngờ ban hành lệnh cấm với TikTok và hàng chục ứng dụng khác, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat. Lý do là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng.

Tương tự, một số thị trường khác như Canada, Đan Mạch, Bỉ, New Zealand, Pháp, Hà Lan, Anh hay Nghị viện Châu Âu đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị chính thức do chính phủ cấp.

Chính quyền Taliban ở Afghanistan và Jordani cấm TikTok vì cho rằng nền tảng hơn 1 tỉ người dùng này không phù hợp với luật Hồi giáo. Indonesia và Pakistan từng cấm ứng dụng này với những lý do là có nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, lệnh cấm được bãi bỏ sau khi nền tảng đồng ý kiểm duyệt một số nội dung.

Như vậy, lý do chung khiến các thị trường quyết định ngăn chặn hoặc hạn chế ứng dụng TikTok hoạt động là lo ngại về an ninh quốc gia. Đa số cấm sử dụng trên các thiết bị làm việc của nhân viên nhà nước, còn các thiết bị cá nhân vẫn được sử dụng.

Nhanh chóng giành thị phần ở Việt Nam

TikTok ra mắt phiên bản quốc tế lần đầu tiên vào tháng 9-2016. Tại Việt Nam, TikTok ra mắt vào tháng 4-2019. Dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng nền tảng nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ, vượt mặt các nền tảng mạng xã hội ra đời trước đây.

Theo báo cáo của Q&Me, TikTok hiện là mạng xã hội đứng thứ 2, sau Facebook, được người Việt dành nhiều thời gian sử dụng. Mức độ phổ biến của nền tảng này ngày càng tăng vào năm 2024 do nhu cầu sử dụng tính năng mua sắm TikTok Shop của người dùng ngày càng cao. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy tính đến ngày 30-6-2024, TikTok có tới 67 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng, vượt YouTube với 63 triệu người.

Trong nghiên cứu do Electronics Hub thực hiện, Việt Nam đứng đầu danh sách ở châu Á khi có trung bình 128 video TikTok được xem mỗi ngày, kế đó là Philippines với 127 video TikTok. Người Việt dành khoảng trung bình 2 tiếng 24 phút mỗi ngày để xem nội dung trên mạng xã hội này.

Theo các chuyên gia, TikTok đã ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống của người dân nhờ cung cấp video ngắn 15-60 giây, phù hợp với thói quen tiêu thụ nội dung nhanh của người trẻ. Đồng thời, thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng "đọc vị" sở thích của người dùng, nhờ đó giữ chân và gia tăng thị phần nhanh chóng.

Giám đốc một công ty chuyên quảng cáo trên nền tảng số tại TP HCM cho biết nếu bị cấm ở quốc gia đang sở hữu lượng người dùng cực lớn như Mỹ, TikTok sẽ dịch chuyển sang thị trường khác, chẳng hạn Việt Nam, thông qua đẩy mạnh phát triển thị phần, tính năng, nội dung... Điều này sẽ khiến các nền tảng mạng xã hội trong nước không thể cạnh tranh.

Cùng với đó, rủi ro liên quan an ninh mạng, bảo mật dữ liệu người dùng... mà các quốc gia khác đã chỉ ra đối với Tiktok cũng là cảnh báo sớm cho Việt Nam. Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần yêu cầu TikTok tăng cường kiểm duyệt nội dung độc hại, bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin, minh bạch hóa thuật toán nhằm quản lý hiệu quả.

"Nếu TikTok không kiểm soát tốt nội dung hơn nữa trong thời gian tới, khả năng cao các thị trường khác cũng sẽ phải cấm để đảm bảo an ninh thông tin" - giám đốc này công ty này dự báo.

Chuyên gia bán lẻ Nguyễn Quang Thái cho hay khi TikTok bị cấm tại Mỹ, hàng trăm KOL, KOC và cả doanh nghiệp bán hàng online tại Việt Nam khá lo lắng cho số phận của TikTok tại Việt Nam, bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Một phần là bởi nhiều nhà bán hàng phụ thuộc quá nhiều vào nền tảng này, thay vì sử dụng đa nền tảng hoặc phát triển website riêng để chủ động tiếp cận khách hàng.

Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lan-dan-o-nhieu-nuoc-vi-sao-tiktok-van-soi-dong-tai-viet-nam-196250201173922113.htm
Zalo