'Tick xanh trách nhiệm' trong hợp tác chất lượng hàng hóa TPHCM - các tỉnh vùng Tây Nguyên

Chiều 2-1, UBND TPHCM phối hợp với UBND các Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu, khách mời.

Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hội nghị tổng kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn từ các tỉnh vùng Tây Nguyên vào TPHCM. Đặc biệt là kiểm soát chất lượng trong các chuỗi phân phối.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị tại khu vực Tây Nguyên bày tỏ trăn trở về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là khi tham gia vào Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa “Tick xanh trách nhiệm”.

 Dán tem truy xuất nguồn gốc mặt hàng rau Đà Lạt trước khi xuất khỏi trang trại. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Dán tem truy xuất nguồn gốc mặt hàng rau Đà Lạt trước khi xuất khỏi trang trại. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Vương Thành Công (Đắk Lắk) nêu ý kiến: “Nếu tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm” thì người dân sẽ được hưởng lợi gì?”.

Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Langbiang Farm (đơn vị cung ứng rau củ tại Đà Lạt) cho biết: “Tôi mong muốn có một sân chơi công bằng hơn cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, bởi hiện nay rau đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng lại không cạnh tranh được với rau giá rẻ ngay trên sân nhà”.

 Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Langbiang Farm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Langbiang Farm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, nhà cung cấp tự kiểm soát chất lượng hàng hóa trong quá trình sản xuất, chịu giám sát của nhà nhà cung cấp lớn. Nhờ đó, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trước những nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận bất chấp quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu vi phạm 1 lần, đơn vị cung ứng sẽ mất toàn bộ thị trường, hệ thống nhà bán lẻ tham gia chương trình sẽ từ chối hàng hóa vi phạm.

 Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tại hội thảo, chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa Sở NN-PTNT TPHCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên với các hệ thống phân phối tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”.

 Chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa Sở NN-PTNT TPHCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên với các hệ thống phân phối

Chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa Sở NN-PTNT TPHCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên với các hệ thống phân phối

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa được TPHCM phát động mở ra cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp tuân thủ cam kết trách nhiệm về chất lượng”.

 Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng có 69.637ha nông nghiệp công nghệ cao (tăng 2.764ha so với năm 2023), trong đó nông nghiệp thông minh đạt khoảng 730ha. Diện tích sản xuất an toàn hiện nay đạt 8.400ha đạt chứng nhận VietGAP (tăng 11% so với năm 2023) tổng sản lượng đạt 526.096 tấn/năm, sản xuất hữu cơ đạt 1,708ha (tăng 18,7%) tổng sản lượng đạt 14.534 tấn/năm, chứng nhận UTZ, 4C... đạt 88.000 ha (tăng 2,32%) sản lượng đạt 297.440 tấn/năm.

Nông sản Lâm Đồng hiện đã có mặt trên 40 quốc gia trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2024 đạt 588,1 triệu USD (tăng 13,65 % so với năm 2023). Trong đó, cà phê nhân ước đạt 226,16 triệu USD (tăng 10,33%); nhóm rau củ ước đạt 112 triệu USD (tăng 20%); nhóm tơ thô ước đạt 40,92 triệu USD (tăng 12%)…

Tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất TPHCM tiếp tục hỗ trợ, phối hợp hơn nữa đối với tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong việc kiểm soát, giám sát chất lượng nông sản đầu ra; giám sát, đánh giá và phát huy vai trò của các chuỗi An toàn thực phẩm của TPHCM.

Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM phát động với mục tiêu định hướng sản xuất an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.

Chương trình ban đầu có 6 hệ thống bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh (sau có thêm 2 hệ thống bán lẻ Wincommerce, Kingfood Market) tham gia nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tick-xanh-trach-nhiem-trong-hop-tac-chat-luong-hang-hoa-tphcm-cac-tinh-vung-tay-nguyen-post775997.html
Zalo