Dữ liệu - nền tảng để chống thất thu thuế hiệu quả
Việc tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu (đặc biệt là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bất động sản...) luôn được ngành thuế quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhiều thách thức mới cũng đặt ra với công tác quản lý thuế như: khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; yêu cầu phải chuyển đổi phương pháp quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế; quản lý tuân thủ theo nguyên tắc rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Nguồn dữ liệu lớn có giá trị cao
Theo Vụ Kê khai thuế và kế toán thuế (Tổng cục Thuế), dữ liệu thống kê trong quản lý thuế đã đạt nhiều bước tiến trong việc điện tử hóa, với gần 100% thủ tục hành chính và hóa đơn được thực hiện trực tuyến. Việc triển khai hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022 đã phản ánh gần như toàn bộ giao dịch kinh tế theo thời gian thực, đồng thời tích hợp dữ liệu từ các cơ quan nhà nước và tổ chức thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, ông Phạm Quang Toản, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, trong công tác hoàn thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử giúp tăng cường khả năng giám sát, phát hiện gian lận, đối chiếu hóa đơn và tờ khai thuế giá trị gia tăng, từ đó kiểm soát chặt chẽ công tác xét hoàn thuế. Ngành thuế cũng tích cực ứng dụng công nghệ, đặc biệt AI và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, phòng chống gian lận. Cụ thể, trong công tác quản lý rủi ro, ngành thuế đã triển khai hệ thống phân tích dữ liệu lớn trong phân loại hoàn thuế tự động, giúp phát hiện các hành vi bất thường và đưa ra các chuỗi cảnh báo rủi ro trong quản lý thuế.
Nhờ vậy, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế cho biết, riêng đối với chuyên đề chống thất thu lĩnh vực nông sản nhập khẩu, trên cơ sở dữ liệu nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp và đối chiếu với hồ sơ khai thuế, hóa đơn điện tử của người nộp thuế, đã nhận diện, khoanh vùng được hơn 1.500 người nộp thuế đang hoạt động có rủi ro; xử lý đối với 317 người nộp thuế, số phải nộp bổ sung là 190 tỷ đồng.
Đáng chú ý, qua khai thác, phân tích dữ liệu về kê khai thuế và báo cáo tài chính của các trường đại học, đã nhận diện được 128 đơn vị có chênh lệch lớn giữa số liệu báo cáo tài chính và hồ sơ khai thuế trong giai đoạn 2021-2023. Kết quả đến nay, có 50 trường đại học buộc phải khai bổ sung với số doanh thu tăng thêm 8.358 tỷ đồng, tăng 13,8% so với số đã kê khai; tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp qua kê khai bổ sung tăng thêm 292 tỷ đồng, tăng 14% so với số đã kê khai, bà Lê Thị Duyên Hải thông tin.
Tích lũy, làm sạch và tự động hóa dữ liệu
Thực tế cho thấy, cơ sở dữ liệu thống kê thuế của ngành thuế quản lý rất lớn với hơn 1 triệu doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động. Bên cạnh đó là các dữ liệu phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh phát sinh hàng năm của doanh nghiệp, bao gồm khoảng 4 triệu tờ khai thuế giá trị gia tăng, gần 1 triệu tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, hơn 4 tỷ hóa đơn điện tử, cùng dữ liệu của hơn 14 triệu tờ khai xuất nhập khẩu phát sinh hàng năm; chưa kể đến hàng triệu tờ khai thuế của cá nhân, hộ kinh doanh. Điều này đặt ra thách thức rất lớn về việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu to lớn này khi hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với sự phát triển quy mô dữ liệu và các công nghệ mới. Cùng với đó, năng lực phân tích dữ liệu cũng chưa đáp ứng tốt yêu cầu.
Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh đến nhiệm vụ chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Do vậy, trong năm 2025, ngành Thuế đặt mục tiêu tiếp tục hiện đại hóa công tác thống kê thuế nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của quản lý thuế và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện Đề án hiện đại hóa công tác thống kê thuế. Các chỉ tiêu và mẫu biểu báo cáo thống kê sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn, đồng thời hạ tầng công nghệ thông tin cũng sẽ được nâng cấp nhằm xử lý hiệu quả lượng dữ liệu ngày càng lớn, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định và an toàn.
Ngoài ra, ngành thuế sẽ ứng dụng triệt để cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy học vào các khâu, các bước quản lý thuế. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ như phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro; tự động hóa công tác quản lý nợ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thanh tra, kiểm tra, trong rà soát văn bản hành chính. Đồng thời, hợp tác quốc tế sẽ được tăng cường để học hỏi kinh nghiệm từ các nước có hệ thống thuế hiện đại, cũng như thúc đẩy chia sẻ dữ liệu và thông tin nhằm kiểm soát hiệu quả hành vi gian lận thuế xuyên biên giới.
Một định hướng quan trọng khác là việc làm sạch cơ sở dữ liệu và áp dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý rủi ro. Quy trình chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu sẽ được xây dựng bài bản, đảm bảo thông tin kê khai thuế đầy đủ, chính xác. Hệ thống đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế sẽ được phát triển, từ đó hỗ trợ các cơ quan thuế trong việc đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp.
Song song với đó, ngành thuế sẽ đẩy mạnh tự động hóa trong quá trình phân tích dữ liệu và thống kê thuế. Các công cụ trực tuyến cho phép cán bộ thuế truy cập và sử dụng dữ liệu mọi lúc, mọi nơi sẽ được triển khai rộng rãi, giúp cải thiện năng suất và hiệu quả làm việc.