Tích cực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai

BHG - Những năm qua, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Mèo Vạc đã phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Là địa phương hằng năm chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, sạt lở, mưa đá, cháy rừng… gây thiệt hại nặng nề về của cải, hoa màu, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, đe dọa đến tính mạng của nhân dân. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện xảy ra 10 đợt bão lốc, mưa đá, 4 vụ cháy rừng, ước tính thiệt hại hơn 20 tỷ đồng, trên 8 ha rừng. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Ban CHQS huyện luôn coi việc phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Theo đó, đơn vị đã chỉ đạo, huy động hàng trăm CBCS tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ riêng đợt lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện vào tháng 6 vừa qua, đã huy động 461 lượt CBCS, với hơn 900 ngày công lao động. Ngoài ra, chủ động huy động CBCS tham gia phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng với 47 lượt người, 108 ngày công.

Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mèo Vạc tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai tại thôn Khuổi Roài, xã Tát Ngà.

Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mèo Vạc tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai tại thôn Khuổi Roài, xã Tát Ngà.

Xã Tát Ngà là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng, ngoài thiệt hại về hoa màu, công trình công cộng, đường giao thông thì trên địa bàn xã có 39 hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, tại thôn Khuổi Roài có 25 hộ dân sinh sống, khu vực này có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước thực trạng đó, Ban CHQS huyện đã huy động 30 CBCS và phương tiện phối hợp với các lực lượng trên địa bàn hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, di dời tài sản trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; giúp tu sửa, khơi thông tuyến đường vào thôn bị cô lập do mưa lớn, sạt lở... Bên cạnh đó, để góp phần ổn định đời sống của bà con, đơn vị còn phối hợp với nhóm thiện nguyện Tâm An Charity (Hà Nội) thăm hỏi, trao tặng 39 suất quà cho các gia đình, mỗi suất gồm 30kg gạo và 300 nghìn đồng tiền mặt.

Để nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức trong phòng, chống thiên tai trong lực lượng vũ trang và nhân dân, Ban CHQS huyện luôn quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp bám sát thực tiễn địa phương, kịp thời kiện toàn bộ máy, khảo sát, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống cháy rừng, cháy nổ, kế hoạch phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm đúng quy định. Hằng ngày, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban; các lực lượng tham gia ca, kíp trực luôn bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt, kịp thời báo cáo khi có tình huống xảy ra, nhất là những nơi trọng điểm, có nguy cơ cao theo từng phương án đã xác định, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, đặc biệt là phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra trên địa bàn.

Dự báo trong thời gian tới, thời tiết, khí hậu sẽ có những diễn biến khó lường. Với địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của nhân dân còn nhiều chủ quan, cơ sở vật chất thiếu thốn, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện sẽ gặp nhiều khó khăn. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban CHQS huyện tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa để tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phòng phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện, luyện tập sát thực tế; coi trọng giáo dục, xây dựng cho CBCS có tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Làm tốt công tác tuyên truyền rộng rãi trong toàn dân, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Duy trì nghiêm túc, chặt chẽ hơn nữa chế độ trực, chế độ giao ban, báo cáo tình hình, nhận định tình huống; giữ vững mạng lưới thông tin, chủ động phối hợp với các lực lượng, lên phương án huy động lực lượng, phương tiện khi có tình huống xảy ra; tổ chức ứng cứu kịp thời, có hiệu quả khi thiên tai xảy ra, khắc phục hậu quả, sớm ổn định tình hình và đời sống, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.

Bài, ảnh: Phàn Dùng (Ban CHQS huyện Mèo Vạc)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/tich-cuc-giup-do-nhan-dan-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-4425d22/
Zalo