Bước vào chính vụ mưa bão, thiên tai sẽ rất khốc liệt

Từ ngày 28/7, rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ sẽ gây mưa lớn diện rộng. Trọng tâm mưa là trung du và vùng núi phía Bắc. Mưa lớn trong điều kiện đất đá bão hòa nên nguy cơ rất cao lũ quét, sạt lở đất.

Miền Bắc đang bước vào chính vụ mùa mưa bão

Sau khi cơn bão số 2 đi qua, hoàn lưu bão đã gây ra mưa lớn ở khu vực phía Tây Bắc bộ như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và tạo ra đợt mưa lớn toàn Bắc Bộ, có những điểm mưa cục bộ đặc biệt lớn như ở Điện Biên, Hà Nội.

Sau 2 ngày nắng nóng, ngày 28/7, miền Bắc sẽ bước vào đợt mưa lớn do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, vùng núi đối diện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết từ ngày 28/7, rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ sẽ gây mưa lớn diện rộng. Trọng tâm mưa là trung du và vùng núi phía Bắc. Trong bối cảnh khu vực này những ngày qua đã mưa lớn, độ bão hòa đất cao thì nguy cơ sạt lở đất, lũ quét là rất lớn.

Miền Bắc lại sắp đón đợt mưa dông mới vào cuối tháng này.

Miền Bắc lại sắp đón đợt mưa dông mới vào cuối tháng này.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm, tháng 7-8-9 là những tháng chính vụ của mùa mưa bão ở Bắc Bộ. Cho nên, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên trong tháng 7-8-9 tiếp tục có những đợt mưa lớn, nguy cơ lũ quét, trượt lở đất khu vực này vẫn có nguy cơ cao. Đến tháng 9-10-11, mưa sẽ chuyển sang khu vực Trung Bộ. Đây cũng là giai đoạn La Nina hoạt động.

Tác động của La Nina trùng với thời điểm mùa mưa ở Trung Bộ có thể xảy ra những đợt mưa lớn và đặc biệt lớn ở Trung Bộ, nguy cơ xảy ra hiện tượng thiên tai kèm theo như lũ quét, trượt lở đất ở khu vực Trung Bộ ở giai đoạn cuối năm nay sẽ cao và rất cao. Người dân cần chủ động theo dõi các bản tin thời tiết, diễn biến mưa thực tế để có phương án phòng tránh kịp thời.

"Nguy cơ lũ quét, trượt lở đất ở khu vực Bắc bộ, khu vực Tây Nguyên trong tháng 7,8,9 là mức cao. Sang đến tháng 9,10,11, mưa sẽ chuyển sang khu vực Trung Bộ. Chúng tôi cũng lưu ý giai đoạn này cũng là thời điểm La Nina bắt đầu hoạt động. Với tác động của hiện tượng La Nina trung với mùa mưa khu vực Trung bộ thì có khả năng xảy ra những đợt mưa đặc biệt lớn, nguy cơ xảy ra những hiện tượng thiên tai kèm theo như lũ quét, trượt lở đất ở khu vực Trung bộ ở giai đoạn cuối năm nay ở mức cao đến rất cao", ông Nguyễn Văn Hưởng nói.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã gây thiệt hại về người và tài sản.

Trong đó có 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương; 639 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 25.330 ha lúa, 2.686 ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng; 44ha thủy sản bị thiệt hại.

Về giao thông, hơn 694 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên 44.648 m3 đất, đá, bê tông. Ngoài ra, 54 công trình thủy lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng; 7 điểm trường, 4 nhà văn hóa bị ngập.

Đề phòng bão mạnh, dồn dập vào cuối mùa

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã đưa ra một số nhận định về xu thế khí hậu ở Việt Nam trong các tháng tiếp theo của năm 2024. Nền nhiệt cao hơn giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ giai đoạn từ tháng 7 - tháng 9 và xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 10 - tháng 12.

Nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục kéo dài đến tháng 9 năm 2024, trong đó tập trung chủ yếu vào tháng 7 - 8 và khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục cao về nhiệt độ. Xu thế lượng mưa từ tháng 7 - 9, tổng lượng mưa có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm ở Trung Bộ; xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Riêng tháng 8 - tháng 9, tổng lượng mưa có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ tháng 10 - tháng 12, tổng lượng mưa có khả năng xấp xỉ trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, cao hơn trung bình nhiều năm ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra gây lũ, ngập lụt nghiêm trọng cho các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Mùa mưa trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc xấp xỉ hoặc muộn hơn trung bình nhiều năm.

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2024 có thể ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và tập trung vào nửa cuối mùa bão. Riêng khu vực miền Trung, số lượng xoáy thuận nhiệt đới có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu khuyến cáo cần đề phòng các cơn bão có cường độ mạnh, xuất hiện dồn dập vào nửa cuối mùa bão.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.

Cùng với đó, từ tháng 9/2024, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng 11 có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Khu vực từ Đà Nẵng - Bình Thuận có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 11, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

"Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các khuyến cáo về ứng phó với từng loại hình thiên tai đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đưa ra và hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương và người dân thực hiện. Đối với góc độ người làm công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, chúng tôi mong muốn người dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương thì thiệt hại giảm đi đáng kể.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/buoc-vao-chinh-vu-mua-bao-thien-tai-se-rat-khoc-liet-169240726083629254.htm
Zalo