Đồng chí Nguyễn Phú Trọng với việc mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội

Sau 16 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, Thủ đô hôm nay đã có diện mạo mới hiện đại, năng động với nhiều động lực tăng trưởng vẫn đang được khai thác hiệu quả. Nhớ lại ngày Quốc hội khóa XII bàn thảo về vấn đề này, nhiều ý kiến còn tỏ ra rất băn khoăn, chưa tin tưởng vào tính khả thi của đề án.

Tuy nhiên, với sự cầu thị của cơ quan trình đề án và với cách phát biểu điều hành hết sức khoa học, sâu sắc, thuyết phục của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khóa XII đã nhất trí thông qua việc mở rộng địa giới Hà Nội với tỷ lệ tán thành rất cao, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy mạnh mẽ cho Thủ đô...

Nhiều ý kiến băn khoăn về phương án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội

Năm 2008, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, Chính phủ trình Quốc hội Tờ trình về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Phương án ưu tiên của Chính phủ là sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) vào thành phố Hà Nội.

 Đồng chí Nguyễn Phú Trọng điều hành tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng điều hành tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII.

Khi ấy, không chỉ các cơ quan chức năng, mà cả xã hội đều bàn tán rất xôn xao về phương án này. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến không đồng tình, có ý kiến băn khoăn, e ngại về tính khả thi của phương án. Ngay cả trong Ủy ban Pháp luật-cơ quan chủ trì thẩm tra, cũng có những ý kiến khác, chưa thực sự yên tâm về những vấn đề mà Chính phủ nêu ra.

Nhìn chung, các ý kiến còn chưa thực sự đồng thuận chủ yếu là vì băn khoăn về nguồn lực để đầu tư phát triển sẽ bị dàn trải, sẽ thiếu và yếu khi diện tích Thủ đô mở rộng quá lớn, dân số quá đông; 2 thành phố Hà Đông, Sơn Tây của Hà Tây khi sáp nhập vào thành phố Hà Nội sẽ không phù hợp với quy định của pháp luật là thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các quận, huyện, thị xã (khi ấy chưa có mô hình thành phố thuộc thành phố)...

Các ý kiến khác nhau, thậm chí ngược chiều nhau ngoài xã hội và từ các cơ quan hữu quan cũng được phản ánh rất sinh động tại các phiên thảo luận của Quốc hội. Chỉ trong 1 buổi thảo luận tại tổ đã có 221 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong phiên thảo luận tại hội trường cũng có 31 lượt đại biểu phát biểu và còn rất nhiều đại biểu đăng ký nhưng không còn thời gian phát biểu.

Trước ý kiến còn rất khác nhau trong Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu rất ôn tồn: "Tại kỳ họp này, các đại biểu thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, trao đổi thẳng thắn. Tôi nghĩ đây là điều bình thường, thậm chí rất cần khuyến khích, miễn là với động cơ trong sáng và tình cảm chân thành. Bởi vì, trước một vấn đề lớn và khó, có ý kiến xuôi, ý kiến ngược, có trao đi đổi lại, phân tích, mổ xẻ các khía cạnh của vấn đề dưới các góc độ tiếp cận khác nhau thì mới giúp chúng ta nhận thức được vấn đề sâu sắc hơn, toàn diện hơn và chắc chắn sẽ tiếp cận được chân lý, tiếp cận được bản chất vấn đề một cách đầy đủ hơn, trên cơ sở đó mà có quyết định chính xác hơn, trong không khí đồng thuận cao hơn".

Trước những ý kiến đóng góp sâu sắc của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội-đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phú Trọng-đã yêu cầu Chính phủ phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và giải trình kỹ lưỡng. Sau đó, Chính phủ đã xây dựng lại tờ trình hoàn thiện hơn, dự thảo Nghị quyết được chỉnh lý lại gần như toàn bộ nội dung.

Phát biểu điều hành về nội dung này, sau khi phân tích lại những vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn và thông báo về quá trình và kết quả làm việc rất khẩn trương, khoa học, tỉ mỉ, toàn diện, sâu sắc của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tất cả những băn khoăn của đại biểu Quốc hội là chính đáng, thể hiện tâm huyết và ý thức trách nhiệm rất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Nhưng hôm nay, với sự giải trình tiếp thu của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi tin là nhận thức của chúng ta đã khác. Như vậy, sau một quá trình thảo luận tại Quốc hội, trí tuệ tập thể của chúng ta đã có tác dụng, đã được trân trọng, đã được tiếp thu và sắp tới sẽ còn được tiếp thu tốt hơn nữa".

Với cách phát biểu điều hành rất khoa học, khéo léo, sâu sắc, có tính thuyết phục cao của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội khóa XII thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, đạt 92,9% tổng số đại biểu Quốc hội. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2008.

 Hà Nội hôm nay có diện mạo mới hiện đại, nhiều động lực tăng trưởng đang tiếp tục được khai thác hiệu quả. Ảnh: TRỌNG HẢI

Hà Nội hôm nay có diện mạo mới hiện đại, nhiều động lực tăng trưởng đang tiếp tục được khai thác hiệu quả. Ảnh: TRỌNG HẢI

Diện mạo mới của Thủ đô

Với quyết sách quan trọng của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, sau 16 năm, kinh tế-xã hội và diện mạo của Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là ở các vùng được sáp nhập về Hà Nội. Cơ sở hạ tầng của các địa phương sau khi sáp nhập vào Hà Nội phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rất rõ rệt.

So sánh về quy mô GRDP sẽ phức tạp và khó hình dung, bởi trước ngày 1-8-2008, quy mô GRDP của Hà Nội không bao gồm phần đóng góp của các địa phương chưa sáp nhập. Nhưng so sánh về GRDP bình quân đầu người sẽ thấy rất rõ sự phát triển rất mạnh mẽ của Hà Nội. Năm 2008, GRDP bình quân đầu người của Hà Nội chỉ đạt 28,1 triệu đồng. Tới năm 2023, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, GRDP bình quân đầu người của Hà Nội đã đạt tới 151,1 triệu đồng, gấp khoảng 5,38 lần so với năm 2008. Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người khoảng 160,8-162 triệu đồng và mục tiêu này của Hà Nội có nhiều khả năng sẽ đạt, thậm chí có thể vượt.

Nhiều dư địa phát triển mà Hà Nội có được từ việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đến giờ vẫn đang được khai thác rất hiệu quả, một số dư địa vẫn chưa được khai thác tới nên tiềm năng phát triển của Hà Nội vẫn còn rất lớn.

Quyết sách lớn của Quốc hội khóa XII về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là sản phẩm trí tuệ của tập thể, nhưng dấu ấn đóng góp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XII cũng rất rõ nét. Đây có thể coi là đòn bẩy cực kỳ quan trọng, giúp Hà Nội ngày càng phát triển thịnh vượng, xứng đáng là Thủ đô của cả nước!

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-chi-nguyen-phu-trong-voi-viec-mo-rong-dia-gioi-thu-do-ha-noi-786949
Zalo