Tích cực đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Mỗi người dân cần phát huy trí tuệ, tích cực đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vừa công bố toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, kèm theo bản thuyết minh về dự thảo nghị quyết, bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung với quy định hiện hành để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Tại một Kỳ họp Quốc hội đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử là Kỳ họp thứ 9, Quốc hội quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của đất nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ và tạo sự thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Điều này thể hiện Nhà nước đặc biệt coi trọng tiếng nói, ý kiến của toàn dân trong việc xây dựng, phát triển đất nước.

Việc lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân sẽ giúp nhận diện đầy đủ mặt tích cực và cả những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Hiến pháp năm 2013. Những ý kiến đóng góp từ thực tiễn cuộc sống sẽ là nguồn thông tin quý giá để các nhà lập pháp có thể đưa ra những quyết định chính xác, khách quan, bảo đảm các điều khoản sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết được những vấn đề đặt ra.

Vì sao cần sửa Hiến pháp? Cần sửa bởi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra rất khẩn trương, mang lại hiệu quả bước đầu. Cả hệ thống chính trị đang chuyển mình, nhất là hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ngoài ra, quá trình thực hiện Hiến pháp năm 2013 cho đến nay cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế, phải sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Lần này, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dù số lượng không lớn (8 điều trong tổng số 120 điều), nhưng rất cần thiết, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội và sự vận hành của hệ thống chính trị.

Chẳng hạn, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay). Điều này đòi hỏi phải sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân; đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Qua rà soát việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cho thấy hệ thống các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp; có lúc, có nơi chưa sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời; còn tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức. Ngoài ra, nguyên tắc hiệp thương dân chủ - một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của MTTQ Việt Nam vẫn chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp.

Ngay sau khi Quốc hội khởi động quá trình lấy ý kiến nhân dân, các thế lực thù địch cũng bắt đầu tung ra các quan điểm sai trái, cố tình xuyên tạc ý nghĩa, mục đích của việc lấy ý kiến nhân dân. Một số ý kiến cho rằng việc chỉ sửa đổi 8 điều trong tổng số 120 điều là quá ít, mang tính hình thức; cho rằng ý kiến của người dân sẽ không được tiếp thu... Đây là những luận điệu xuyên tạc, không có cơ sở.

Cần khẳng định rằng, dù số lượng điều khoản được sửa đổi không nhiều, nhưng tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức thiết. Hơn nữa, Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng ý kiến của nhân dân trong các quyết sách quan trọng của đất nước. Việc tổ chức lấy ý kiến một cách công khai, minh bạch là minh chứng rõ ràng cho điều này. Các cơ quan chức năng cần chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái này, bảo vệ sự thật và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng Hiến pháp.

Việc Quốc hội tạo điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Hiến pháp là cơ hội để mỗi người dân đóng góp trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều có trách nhiệm nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung, đồng thời bày tỏ quan điểm trung thực, mang tính xây dựng của mình. Những ý kiến đóng góp tâm huyết của mỗi cá nhân sẽ góp phần làm cho Hiến pháp ngày càng hoàn thiện, thực sự là đạo luật gốc, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

NINH TUÂN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tich-cuc-dong-gop-vao-viec-sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-410956.html
Zalo