Thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW: Cần rà soát, nâng cao tiêu chuẩn cho đội ngũ trực tiếp xây dựng thể chế

Tác động rất lớn của 1 luật hay 1 chính sách tốt sẽ tác động đến hàng triệu doanh nghiệp và trăm triệu đồng bào ta, mở ra cơ hội và thời cơ thuận lợi để phát triển vượt bậc. Vì vậy, cần nâng cao chính sách đãi ngộ đột phá cho nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế kinh phí đủ mạnh cho công tác, đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng thể chế của đất nước, chấm dứt nhanh chóng các điểm nghẽn về thể chế, biến thể chế thành điểm mạnh, lợi thế so sánh của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới, đưa đất nước phát triển bền nhanh và vững hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân.

Kim chỉ nam trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm.

“Tôi còn nhớ rất rõ nội dung bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong đó đã nhấn mạnh: “trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”; “chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, phải “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Nội dung bài phát biểu đó đã được tôi lưu giữ cẩn thận để nghiên cứu và xem như kim chỉ nam trong quá trình làm việc””, Đại biểu cho hay.

Theo Đại biểu, đây là bước kế thừa, phát triển rất lớn trong tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về xây dựng, hoàn thiện thể chế trong bối cảnh mới.

Phân tích, vị Đại biểu chỉ ra rằng, trước đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, có thể xem là Nghị quyết đầu tiên của Đảng chuyên sâu về công tác pháp luật, với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng ta Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá đó là: “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là các yếu tố thị trường sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học – công nghệ”, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ngày 30/4/2025 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 66), trong đó, tiếp tục coi thể chế, pháp luật là khâu đột phá chiến lược, đồng thời nhấn mạnh đột phá về thể chế là“đột phá của đột phá”, vừa tháo gỡ những điểm nghẽn, vừa kiến tạo phát triển trong những vấn đề mới, vấn đề khó, giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân khẳng định, những Nghị quyết, phát biểu chỉ đạo chiến lược gần đây của Đảng ta mà đứng đầu là Tổng Bí thư về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vi hành chính, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, về phát triển kinh tế tư nhân, về công tác xây dựng và thi hành pháp luật… được cả hệ thống chính trị và toàn dân ủng hộ, đồng thuận cao, “ý Đảng hợp với lòng dân và vì Tổ quốc, vì Nhân dân” đã góp phần truyền cảm hứng, khích lệ các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, đoàn kết, sáng tạo chung tay dựng xây đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân khẳng định, Nghị quyết 66 nói chung và định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác này ra đời rất đúng đắn, kịp thời, là kim chỉ nam và văn kiện quan trọng của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Theo đó, hiệu quả, chất lượng của công tác thể chế phải được nâng lên một tầm cao mới, mở ra không gian, nguồn lực, lợi thế cho đất nước phát triển vượt bậc. Đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự đột phá thể chế phải song hành với cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương lưu ý, lần này, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh rất rõ cả hai nội dung xây dựng và thi hành pháp luật.

“Việc xây dựng hoàn thiện thể chế rất quan trọng nhưng triển khai đưa pháp luật vào đời sống còn quan trọng không kém, vì suy cho cùng thể chế chính sách phải sát thực tiễn, phục vụ tốt nhất cho mục tiêu phát triển đất nước. Vì vậy, cần nhất quán quan điểm chỉ đạo là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng về vấn đề này. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương đối với số lượng, chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật; quyết liệt triển khai tốt các cơ chế đột phá trong xây dựng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định rõ nhận thức đầu tư cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển, ngân sách nhà nước đảm bảo tổng chi hàng năm ít nhất 0,5% cho công tác thể chế”, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật một cách đồng bộ, công khai, minh bạch… Theo Đại biểu, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa và bố trí nguồn lực xứng tầm cho nhiệm vụ này trong hiện tại và tương lai.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nội dụng chỉ đạo

Về vấn đề thực hiện, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân khẳng định, Nghị quyết 66 đã nêu rất đầy đủ và rất rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp cũng như phần việc, trách nhiệm cụ thể để cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương thống nhất quan điểm, nội dung và cách thức thực hiện, hướng đến đột phá về thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

“Nhằm xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, ổn định, khả thi có tính dự báo như đồng chí Tổng Bí thư đề cập, tôi cũng như các vị đại biểu Quốc hội chỉ có mong mỏi duy nhất, đó là kịp thời thể chế hóa và triển khai quyết liệt, hiệu quả các nội dụng chỉ đạo của Đảng ta, của đồng chí Tổng Bí thư để nhanh chóng triển khai vào cuộc sống, đây là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Ngay tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV này sẽ thảo luận và ban hành Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc biệt trong xây dựng và thi hành pháp luật”, Đại biểu nói.

Cùng với đó, theo Đại biểu, cần, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quán triệt, tuyên truyền đồng bộ, sâu rộng, kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các quyết sách đột phá này; các chủ thể có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện và báo cáo công khai kết quả thực hiện định kỳ hàng năm cho Quốc hội, cử tri và Nhân dân được biết và giám sát, để thực hiện nhanh nhất, trách nhiệm nhất, tốt nhất có thể việc giải phóng các điểm nghẽn có nguyên nhân từ quy định pháp luật, vì thời gian cộng với thể chế tốt chính là nguồn lực vô giá cho phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng như ngày nay.

Bên cạnh đó, về lâu dài, cần rà soát, chuẩn hóa, đào tạo và nâng cao về tiêu chuẩn cho đội ngũ trực tiếp xây dựng thể chế.

“Tác động rất lớn của 1 luật hay 1 chính sách tốt sẽ tác động đến hàng triệu doanh nghiệp và trăm triệu đồng bào ta, mở ra cơ hội và thời cơ thuận lợi để phát triển vượt bậc. Vì vậy, cần nâng cao chính sách đãi ngộ đột phá cho nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế kinh phí đủ mạnh cho công tác, đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng thể chế của đất nước, chấm dứt nhanh chóng các điểm nghẽn về thể chế, biến thể chế thành điểm mạnh, lợi thế so sánh của nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới, đưa đất nước phát triển bền nhanh và vững hơn nữa”, Đại biểu nêu rõ.

Minh Khôi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thuc-hien-nghi-quyet-so-66-nqtw-can-ra-soat-nang-cao-tieu-chuan-cho-doi-ngu-truc-tiep-xay-dung-the-che-post547622.html
Zalo