Thường Xuân: Thành quả trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Thái

Thường Xuân nằm trong số 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây tập trung 55,2% số dân là người dân tộc Thái sinh sống. Kể từ khi triển khai Dự án 6 đến nay, UBND huyện Thường Xuân đã đạt được kết quả tích cực trong công tác bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

 Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Thái tại xã Xuân Lẹ (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa).

Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Thái tại xã Xuân Lẹ (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa).

Huyện Thường Xuân có dân số hơn 94.300 người, trong đó dân tộc Thái chiếm 55,2%, là DTTS đông nhất trên địa bàn huyện. Đồng bào người Thái có bản sắc văn hóa rất độc đáo, đặc biệt về các lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực, nếp nhà truyền thống và chữ viết.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn "hội tụ" các di tích, thác nước đẹp, như đền Cửa Đạt; đền Cô Ba; di tích lịch sử, văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai; di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng Hồ; thác Thiên Thủy; thác Trai Gái; thác Hón Yên... Huyện còn có Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với hệ thống động, thực vật phong phú, đa dạng, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, khí hậu mát mẻ...

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Thái tại Bản Bèn (thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân)

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Thái tại Bản Bèn (thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân)

Truyền dạy nghề đan lát truyền thống của đồng bào người Thái tại huyện Thường Xuân.

Truyền dạy nghề đan lát truyền thống của đồng bào người Thái tại huyện Thường Xuân.

Những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng là điều kiện quan trọng để huyện Thường Xuân phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Vì vậy, nhiều năm qua huyện Thường Xuân đã tăng cường công tác quảng bá các tiềm năng phát triển du lịch gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, đặc biệt là dân tộc Thái.

Thực hiện triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, UBND huyện Thường Xuân đã tổ chức hội nghị quán triệt quyết định, chương trình và các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện tới lãnh đạo chủ chốt, cán bộ phụ trách các xã, thị trấn. Cơ quan tuyên truyền đã tăng cường thời lượng phát sóng, tăng cường bài viết, bản tin trên hệ thống loa đài cấp huyện và hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn.

Lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy các văn hóa phi vật thể của đồng bào người Thái tại huyện Thường Xuân, năm 2024.

Lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy các văn hóa phi vật thể của đồng bào người Thái tại huyện Thường Xuân, năm 2024.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng cửa người Thái ở Bản Mạ (thị trấn Thường Xuân), trong năm 2023 hoàn thành hạng mục xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Đến nay, vẫn còn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ, 7 hộ duy trì được nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm và đan lát.

Cải tạo, sửa chữa Nhà văn hóa - Khu thể thao của đồng bào người Thái tại các thôn: Xuân Minh 2, Thành Tiến (xã Xuân Cao); Quẻ, Vành, Cộc (xã Xuân Lộc). Thành lập và ra mắt trên 20 Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa truyền thống người Thái tại các thôn: Ngọc Sơn (xã Lương Sơn), thôn Lùm Nưa (xã Vạn Xuân),… Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho trên 15 nhà văn hóa, CLB Văn hóa truyền thống của người Thái.

Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống của đồng bào người Thái, như nghề dệt thổ cẩm tại các xã, thị trấn (Xuân Lẹ, Vạn Xuân, Luận Khê, Thường Xuân). Gìn giữ lối hát Khặp Thái tại các xã (Bát Mọt, Yên Nhân, Vạn Xuân, Xuân Lẹ, Xuân Chinh, Luận Khê, Tân Thành, Luận Thành).

Ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa truyền thống của đồng bào người Thái tại thôn Ngọc Sơn (xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân).

Ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa truyền thống của đồng bào người Thái tại thôn Ngọc Sơn (xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân).

Khôi phục, bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào người Thái tại nhiều xã, thị trấn, kết hợp với việc xây dựng sản phẩm phát triển du lịch như: Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Dâng trâu tế trời, Lễ hội Đền thờ Cầm Bá Thước (xã Vạn Xuân); Lễ mừng cơm mới, Lễ hội đua thuyền (thị trấn Thường Xuân); Lễ hội Xăng Khán (xã Xuân Lẹ, Xuân Thắng, Vạn Xuân, Luận Khê). Trong đó, năm 2024, Lễ hội Nàng Han tại thôn Lùm Nưa (xã Vạn Xuân) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nhìn chung, việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ khác của Dự án 6 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, đồng bào người Thái ngày càng nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Dự án, Chương trình, đặc biệt về vai trò chủ thể của mình.

Thực hành Khặp Nhuốn của đồng bào người Thái tại huyện Thường Xuân, năm 2024.

"Từ đó phát triển và trở thành phong trào tự nguyện hiến đất, đóng góp tài sản, ngày công. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thôn bản cũng được tăng cường. Qua các mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch có hiệu quả, đã góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, hoàn thành 100% kế hoạch, nhiệm vụ được giao", ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn các nội dung, nhiệm vụ của Dự án 6 đối với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái nói riêng và các DTTS khác trên địa bàn nói chung, UBND huyện Thường Xuân sẽ tăng cường mở các lớp hướng dẫn kỹ năng hoạt động, dàn dựng, biểu diễn cho câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống ở thôn, bản, khu phố.

Phụ nữ dân tộc Thái ở Thường Xuân mặc trang phục truyền thống

Phụ nữ dân tộc Thái ở Thường Xuân mặc trang phục truyền thống

Mời các nghệ sĩ, những người có kinh nghiệm trong công tác dàn dựng trực tiếp xuống từng CLB để hướng dẫn và chỉnh sửa các tiết mục cho CLB. Hỗ trợ hơn nữa các trang thiết bị, nhạc cụ, trang phục theo nhu cầu của từng nội dung nhằm giúp các CLB duy trì hoạt động thường xuyên.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc như: Đánh trống, chiêng; thổi khèn bè, sáo tiêu cho hạt nhân đội văn nghệ và những người yêu thích trên địa bàn huyện. Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một như: Lễ hội Dâng trâu tế trời (xã Vạn Xuân); Lễ Xăng Khan; các trò diễn, trò chơi dân gian… Cũng như đề xuất nhà đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuong-xuan-thanh-qua-trong-cong-tac-bao-ton-van-hoa-dan-toc-thai-20241204150353947.htm
Zalo