CHÀO MỪNG FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT LẦN THỨ X - NĂM 2024: Những người vì cộng đồng
Mỗi người một cách, có người đứng ra vận động mọi người trong tổ dân phố cùng chung tay; có người bỏ tiền túi lẫn công sức của mình và cùng cả gia đình mình chung tay làm đẹp những con đường, những khu phố... Tất cả vì cộng đồng, vì một TP Đà Lạt 'Xanh - sạch - đẹp'.
• ĐƯỜNG HOA VÀNG VEN SUỐI
Khi chúng tôi đến thăm, ông Nguyễn Văn Đam - Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố Cam Ly đang leo xuống một chiếc thang gỗ theo bờ taluy xuống con suối Cam Ly để đặt chiếc máy bơm điện đưa nước lên tưới cho đường hoa vàng của tổ chạy dọc theo con suối Cam Ly. Đường hoa của tổ dân phố này dài khoảng 400 m bắt đầu từ cuối đường Ma Trang Sơn, chạy dọc theo đường ven suối đến gần đầu thác Cam Ly. Trước đó, ven con đường này, TP Đà Lạt đã cho trồng các cây tùng tạo cảnh quan, nhưng trồng khá thưa.
Để làm đẹp khu phố, ông Đam cùng các thành viên trong tổ dân phố đã đi vận động người dân cùng đóng góp mua cúc thân gỗ hoa vàng về trồng dọc theo con suối này trong năm 2022. Cho đến nay, cứ mỗi năm tổ đều dặm thêm hoa vào, hoa đã gần như lấp đầy con đường này. Trong năm 2023, từ tiền đóng góp của người dân, ông Đam đã cho mua 1 mô tơ điện và hệ thống ống dây hết 6,7 triệu đồng để bơm nước từ dưới suối Cam Ly lên tưới cho cây và hoa dọc đường, đồng thời mua thêm cây anh đào, gần đây còn mua thêm hoa mua tím về trồng xen. “Chúng tôi phân công người trong tổ thay phiên tưới cho cây và hoa hằng tuần. Mùa mưa thì chẳng sao, chỉ mua phân bón cây là được nhưng mùa nắng, hoa cần tưới và chăm sóc”, ông Đam cho biết.
Không chỉ chăm sóc cho đường hoa, tổ dân phố còn huy động người dân cùng tham gia ra quân hằng tháng dọn cỏ và rác dọc theo con suối. Tổ cũng đang vận động chung tay bắt điện sáng dọc theo con đường ven suối này.
Ông Nguyễn Xuân Thơm - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường 5 cho biết, đến nay, trên địa bàn phường đã vận động dân trồng gần 2 km đường hoa dọc suối, trong đó tổ dân phố Cam Ly là một trong những đơn vị có các hoạt động nổi bật trong tổng số 14 tổ dân phố của phường với sự góp sức rất lớn của ông Nguyễn Văn Đam trong vận động dân.
• BIẾN CHỖ ĐỔ RÁC TỰ PHÁT THÀNH TIỂU CÔNG VIÊN HOA
Khi nhìn một con đường và bãi đất với hoa nở sum suê, khó mà nghĩ rằng, trước đây lại là một nơi tập kết rác thải tự phát bốc mùi trong khu dân cư nơi đây. Người biến khu đất đầy rác thải chờ thu gom này thành một tiểu công viên hoa chính là vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nam, nhà trên đường Yersin, thuộc tổ dân phố Nhất Thống, Phường 10, Đà Lạt.
Là người TP Hồ Chí Minh, yêu Đà Lạt, hoạt động trong nhiều dự án về lâm nghiệp và môi trường, ông Nam cùng vợ chuyển lên Đà Lạt sinh sống trong những năm gần đây. Khi mua ngôi nhà để ở và để vợ ông kinh doanh dược phẩm trên con đường này, thấy trước nhà có một bãi rác tự phát do người dân trong khu phố bỏ ra đây hằng ngày trong lúc chờ thu gom với việc rác tràn ra đường, ông Nam đã xin phép và sau khi được chính quyền các cấp cùng Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt đồng ý, gia đình ông đã bỏ ra khoảng 150 triệu đồng để dọn dẹp, giải tỏa bãi rác tự phát này, làm đường bê tông, xây bồn hoa và lắp đặt hệ thống tưới nước cho hoa, biến một con đường dốc rộng 7 m dài 30 m thành một tiểu công viên hoa rất đẹp. “Trồng hoa khác trồng cây. Trồng cây thì mình chỉ dọn đất, đào hố trồng xuống thì cơ bản xong, còn trồng hoa khó hơn. Phải làm sạch đất, chọn giống để trồng, rồi phân bón, cắt tỉa hoa, chăm sóc kịp thời, thay thế cây mới khi hoa tàn, nhất là mùa mưa, hoa dễ úng nước, cần chăm sóc hoa kỹ mới có vườn hoa đẹp được”, ông Nam cho biết.
Để duy trì tiểu công viên hoa này, gia đình ông Nam chi ra khoảng 2 triệu đồng. “Cũng bởi gia đình tôi thích hoa cùng khí hậu mát mẻ mà gia đình tôi chọn lên đây sinh sống. Làm đẹp con đường, làm đẹp khu phố đâu chỉ riêng cho gia đình mình mà còn cho cả mọi người cùng ngắm nhìn, để nơi mình sống ngày càng đẹp thêm”, ông Nam chia sẻ.
• ƯƠM VÀNG MIMOSA CHO SƯỜN ĐỒI ĐẤT LỞ
Người Hà Nội, sinh năm 1979, bà Nguyễn Thị Diễm, nhà ở Khu quy hoạch Ngô Quyền, Phường 6, Đà Lạt nói rằng, bà thích Đà Lạt từ ngày còn nhỏ. Thích vì khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hoang sơ, con người hiền hòa. Nhưng ý thích đó gác lại vì bà mải bận việc học hành, tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm rồi bận rộn với công việc, rồi đến gia đình, con cái cần coi ngó, chăm sóc.
Nhưng rồi những năm gần đây, ước mơ vào Đà Lạt sinh sống đó quay trở lại với bà. Bà đã bàn bạc cùng gia đình và nhiều lần vào Đà Lạt khi có dịp để chọn mua một ngôi nhà để ở. Năm 2020, bà mua ngôi nhà đang ở hiện nay tại Khu quy hoạch Ngô Quyền, Phường 6 rồi chuyển cả gia đình vào và dần ổn định cuộc sống ở thành phố này, con bà hiện đang đi học phổ thông tại Đà Lạt .
Ngôi nhà bà nằm ở trên cao, có một vị trí rất đẹp để nhìn xuống cả một khu vực rộng lớn của TP Đà Lạt. Nhưng ngay phía trước ngôi nhà phía bên kia con đường đối diện nhà bà là một sườn đồi rộng lớn với bờ taluy đất rất cao, mùa mưa đất thường lở xuống tạo thành những hõm đất đáng ngại. Thế là bà Diễm tự mình bỏ tiền túi ra mua cây để về trồng trên bờ taluy đất này để ngăn đất lở. Bà mua trên 100 cây thông và mimosa, mua toàn cây lớn, cao trên 1 m, với giá trên 20 triệu đồng, mua cả phân bón và rồi thuê người cùng bà đi trồng cây.
Là một doanh nhân, nhà bà Diễm hiện vẫn còn ở Hà Nội, bà cho biết thường xuyên đi lại giữa Đà Lạt và Hà Nội nhưng gần đây bà ở Đà Lạt nhiều hơn ở Hà Nội và gia đình bà đang muốn canh tác nông nghiệp tại Đà Lạt. Những lúc có thời gian, bà lại cho mua thêm cây để trồng thay thế những cây đã chết hay còi cọc không lên được. “Tôi thích hoa mimosa với màu vàng rực, có bài hát về Đà Lạt với hoa mimosa. Thông thì cây dễ lên, tôi cũng thử trồng anh đào và trồng cả cây hồng ăn trái nhưng có vẻ không phát triển lắm”, bà Diễm cho biết.
Cho đến nay, sau hơn 3 năm trồng cây, thông và hoa mimosa trên sườn taluy đất lở rộng lớn này đã phát triển tốt, cây lên xanh, hoa mimosa cũng bắt đầu ra hoa ươm vàng. Bờ taluy đất rộng lớn đó nay cây cối lên xanh, góp phần không nhỏ trong việc ổn định bờ đất, ngăn ngừa sạt lở trong mùa mưa. “Tôi đang chờ mimosa ra hoa, chắc chắn sẽ rất đẹp”, bà Diễm tươi cười.