Thưởng Xuân mọi miền đất nước

Thêm Xuân Ất Tỵ, bộ sách 'Nhâm nhi Tết' của NXB Kim Đồng tập hợp được 6 ấn bản đặc biệt.

'Nhâm nhi Tết Ất Tỵ 2025' có phong vị đặc biệt - phong vị của niềm vui mừng 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: NXB Kim Đồng.

'Nhâm nhi Tết Ất Tỵ 2025' có phong vị đặc biệt - phong vị của niềm vui mừng 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Đây là món ăn tinh thần bạn đọc luôn chờ đón để chầm chậm thưởng Xuân khắp mọi miền đất nước.

“Nhâm nhi Tết Ất Tỵ 2025” tiếp tục mang phong vị ấm áp trong niềm vui sum họp, gắn kết gia đình với truyền thống, cội nguồn qua truyện, thơ, tranh, ghi chép, tản mạn… của các tác giả đến từ mọi miền Tổ quốc.

Đó là những câu chuyện nhỏ mang lại trải nghiệm mới mẻ, ấm áp về mùa Xuân trong “Cư dân bí ẩn của rừng U Minh Hạ” (Đoàn Mai Anh), “Đội cứu hộ mười hai con rắn” (Trần Quốc Toàn), “Chuyến phiêu lưu tìm Nắng Ấm” (Lê Chip); hoặc có thể cười vang thư giãn cùng truyện tranh one shot “Giải cứu cá chép” (họa sĩ LinhRab).

Ở đây còn có “Quà của mùa Xuân” (Nguyễn Thị Như Hiền) đem đến những gắn kết, sẻ chia sao mà ấm áp. Chẳng là, ngày ngày bà Năm bán xôi trước cổng trường mang niềm vui đến cho Khang và các bạn qua câu chuyện kể, quả ổi bà trẩy trong vườn…

Trước Tết bà đau yếu, không trồng được vạn thọ, nhưng niềm vui không vơi đi mà càng nhân thêm khi ở bên bà luôn có những người bạn nhỏ có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương, giúp đỡ người khác như cậu bé Khang.

Và không đâu khác, chính những việc làm thiện lành cùng sự chở che, thương yêu của người lớn như bà Năm là ngọn nguồn vun đắp lên những tấm lòng ấy. Bên cạnh đó, những thi phẩm của các cây bút: Phạm Anh Xuân, Vũ Thị Thanh Tâm, Lê Điểm, Trương Thiếu Huyền, Hoa NTk ngân rung bao cảm xúc trong trẻo, hân hoan đón mừng Xuân mới.

Ngoài ra, những bài viết về phong tục ngày Tết ở khắp các vùng miền cũng đem đến nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị. Từ khám phá ẩm thực Tết với bánh ngào xứ Nghệ, bánh chưng ngũ sắc… đến ngắm những điệu sắc bùa Hà Tĩnh, nghe câu ca trong Tết Katê của đồng bào Chăm… Hay những trang viết về rắn trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt như: “Chuyện Cao Bá Quát – vị danh nhân tuổi rắn”, “Rắn thần nước Việt”, “Làng Lệ Mật và điệu múa Giảo Long”…

 Từ 2020, NXB Kim Đồng khởi động lại dòng sách Tết, mở đầu là 'Nhâm nhi Tết Canh Tý'. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Từ 2020, NXB Kim Đồng khởi động lại dòng sách Tết, mở đầu là 'Nhâm nhi Tết Canh Tý'. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Cuốn sách còn có phong vị đặc biệt - phong vị của niềm vui mừng 50 năm đất nước thống nhất (1975 – 2025) qua bài viết về lịch sử ra đời ca khúc dành cho thiếu nhi được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết cách đây 69 năm – “Bài ca chữ S” trong “Trọn vẹn chữ S một nét liền” (Trương Quý).

Chắc chắn rằng, với nhiều người đây là câu chuyện thú vị khi lần đầu được biết tới bài hát này với ca từ thật đơn giản, hồn nhiên nhưng lại là lời khẳng định về chủ quyền lãnh thổ cũng như dự báo sẽ đến ngày non sông Việt Nam liền một dải: “Tung tăng bay bay trong ánh sáng/ Ngoài kia con ngài nó bay/Em hi ha hi hoay tập viết/Những nét thẳng bên cạnh nét cong/Cạnh nét cong thẳng tắp như cột đình/Cái măng cong cong/cong cong ngọn lúa vầng trăng/Tang tính tang tang tình tang tính tang cái liềm.

Em hi ha hi hoay tập viết/Chữ ét sì thật đẹp rõ xinh/Em hi ha hi hoay tập viết/Chữ ét sì rõ đẹp rõ xinh/Tính tình tang tình tính tang/Y hệt nét in cong cong cong cong/Dải đất Việt – Nam/ Tang tính tang tang tình tang/Bắc – Nam gắn liền”.

Thực ra, “Nhâm nhi Tết Ất Tỵ 2025” là sự nối dài “truyền thống” sách Tết có từ hơn 60 năm trước của NXB Kim Đồng. Ấy là từ năm 1959, đơn vị đã ấn hành tác phẩm của nhiều tác giả, họa sĩ nổi tiếng lúc đó như Thế Vỵ, Nguyễn Bích, Tạ Lựu, Thy Thy Tống Ngọc… trong cuốn “Mừng Tết mới – xuân Kỷ Hợi 1959”. Sau đó là sự tiếp nối với những tên gọi như Tuổi thơ Xuân, Đất nước vào Xuân…

Từ 2020, dòng sách Tết được NXB Kim Đồng khởi động trở lại với diện mạo mới của một ấn bản đặc biệt mang tên “Nhâm nhi Tết” có tranh minh họa lộng lẫy, tuyệt đẹp cùng những trang viết không chỉ mang đến niềm vui, niềm hân hoan, mà còn chứa đựng lời nhắn nhủ về tình yêu thương, giá trị của văn hóa, của cội nguồn: “Tết là nghỉ ngơi, đoàn tụ; là về nhà, về cội (…).

Về nhà, về cội, là hoài hương, trở về tình dân tộc…” (Lời chào Xuân, Đoàn Công Lê Huy, Nhâm nhi Tết Quý Mão 2023). Được sắp đặt với 4 góc: Đọc Tết, Thưởng thức, Tết xưa và khám phá; là nơi tụ hội của các cây viết, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhiều thế hệ, mỗi năm cuốn sách đến tay độc giả ngay khi tháng Chạp vừa ghé và luôn được đón đợi như một phần của Tết.

Ấn bản mở đầu cho chặng đường sách Tết mới này - Xuân Canh Tý đã để lại dấu ấn qua những sáng tác truyện, thơ, văn, nhạc… chạm tới trái tim người đọc, đồng thời khơi mở những tư liệu quý giá về vua Duy Tân, chợ Tết Cầu Đông trên đất Thăng Long xưa, không chỉ là không khí náo nhiệt bán mua, mà còn được hiểu thêm về vị tướng tài ba của nhà Trần Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư…

Dòng Xuân ấy tiếp tục xuyên suốt qua Tết Tân Sửu, Nhâm Dần, Quý Mão rồi Giáp Thìn cùng gửi gắm đầy tâm huyết như lời chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng: “Chúng tôi mong muốn đem đến cho bạn đọc những trải nghiệm ấm áp, yêu thương đồng thời tạo ra sân chơi để các tác giả có thể gửi gắm những tác phẩm của mình. Đây là món quà chúng tôi gửi đến bạn đọc cả nước với lời chúc Xuân Hạnh phúc - An lành”.

Thái Hà

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuong-xuan-moi-mien-dat-nuoc-post716654.html
Zalo