Về thăm Hàm Hạ

Trong không khí cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi trở về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa để cảm nhận niềm hân hoan, phấn khởi xen lẫn tự hào đang lan tỏa khắp phố Hàm Hạ.

Di tích lịch sử quốc gia đình Hàm Hạ được trùng tu, tôn tạo khang trang.

Di tích lịch sử quốc gia đình Hàm Hạ được trùng tu, tôn tạo khang trang.

Khi mỗi bước chân đặt trên từng điểm di tích, những trang sử vẻ vang về Hàm Hạ lại được tái hiện một cách rõ nét. Năm 1929, một số cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên bị tập kích, những hội viên tích cực thoát khỏi sự truy lùng của địch vẫn kiên trì hoạt động. Vào thời gian này, đồng chí Lê Công Thanh (người làng Mao Xá, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) – sau khi thoát ly ra Bắc đã tham gia phong trào “vô sản hóa” và được kết nạp Đảng tại Bắc Kỳ. Thông qua đồng chí Lê Công Thanh, Xứ ủy Bắc Kỳ đã nắm bắt được tình hình cách mạng ở Thanh Hóa. Để xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào cách mạng, tháng 4/1930, Xứ ủy Bắc Kỳ đã giao đồng chí Lê Công Thanh có nhiệm vụ chỉ đạo việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Di tích lịch sử quốc gia đình Hàm Hạ - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.

Di tích lịch sử quốc gia đình Hàm Hạ - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.

Sau khi tìm hiểu và nắm rõ tình hình, đồng chí Lê Công Thanh đã cử đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) trực tiếp về Thanh Hóa xúc tiến việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã về làng Hàm Hạ bắt liên lạc với hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hàm Hạ và kết nạp 3 đồng chí Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long vào Đảng cộng sản. Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, ngày 25/6/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập chi bộ Hàm Hạ - chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa diễn ra tại nhà ông Lê Oanh Kiều. Đồng chí Lê Thế Long được bầu làm bí thư chi bộ Hàm Hạ.

Ngay sau khi thành lập, chi bộ Hàm Hạ đã dương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, tổ chức “Nông hội đỏ” cũng được thành lập ở Hàm Hạ và từ Hàm Hạ đã phát triển rộng khắp các địa phương. Sự ra đời của chi bộ Hàm Hạ là bước ngoặt quan trọng, mở đầu trang sử mới của phong trào cách mạng ở huyện Đông Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, góp phần quan trọng cho sự ra đời của các chi bộ khác trong tỉnh. Từ 3 “đốm lửa” nhỏ là chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Phúc Lộc (Thiệu Hóa) và Yên Trường (Yên Định), ngày 29/7/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ - Bí thư chi bộ Yên Trường. Đồng chí Lê Thế Long – Bí thư chi bộ Hàm Hạ được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy và là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Phía trước sân đình có cây đa, giếng nước, tạo nên không gian hài hòa và yên bình.

Phía trước sân đình có cây đa, giếng nước, tạo nên không gian hài hòa và yên bình.

Để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, năm 1994, đình Hàm Hạ được công nhận là Cụm di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm 3 điểm di tích: Đình làng Hàm Hạ - nơi che chở, bao bọc cho các chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh; nhà ông Lê Oanh Kiều – nơi thành lập chi bộ Hàm Hạ và nhà ông Phạm Văn Huống – nơi phát hành tờ báo “Tiến lên” – cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 2000, Cụm di tích lịch sử đình Hàm Hạ được tôn tạo khang trang với tổng mức đầu tư hơn 44,7 tỷ đồng bao gồm: Khu vực đình làng, nhà khách, khu vực giếng làng, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống và tuyến đường Hàm Hạ được mở rộng, tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp.

Tuyến đường trước Di tích lịch sử đình Hàm Hạ được mở rộng.

Tuyến đường trước Di tích lịch sử đình Hàm Hạ được mở rộng.

Cụm di tích lịch sử đình Hàm Hạ được tu bổ, tôn tạo là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với các thế hệ cha ông đi trước. 95 năm qua, Hàm Hạ vẫn mãi là niềm tự hào để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng Hàm Hạ trở thành khu phố kiểu mẫu năm 2020. Từ chi bộ đầu tiên của tỉnh, đến nay Chi bộ Hàm Hạ đã có 105 đảng viên.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Sinh, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Hàm Hạ không quên nhắc lại câu chuyện 6 hộ dân phải di dời, tái định cư đến vị trí mới để bàn giao mặt bằng xây dựng khuôn viên đình làng Hàm Hạ và 126 hộ dân đã hiến 3.360m2 đất, tháo dỡ nhiều công trình trên đất để mở rộng tuyến đường Hàm Hạ. “Niềm tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Hàm Hạ chính là động lực lớn giúp bà con đồng thuận di dời và hiến đất mở rộng khuôn viên Cụm di tích lịch sử Hàm Hạ đẹp như hôm nay. Chúng tôi xác định, việc xây dựng thành công phố kiểu mẫu là hành trình chỉ có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Tiếp tục hành trình ấy với những định hướng ở tầm cao hơn, tổ dân phố Hàm Hạ phấn đấu trở thành vùng đất phát triển theo hướng đô thị, văn minh và hiện đại sau khi thị trấn Rừng Thông trở thành phường Rừng Thông và sáp nhập vào TP Thanh Hóa”, ông Phạm Văn Sinh, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Hàm Hạ cho biết.

Phát huy truyền thống cách mạng, Nhân dân Hàm Hạ đã hiến đất mở rộng tuyến đường khang trang, sạch đẹp.

Phát huy truyền thống cách mạng, Nhân dân Hàm Hạ đã hiến đất mở rộng tuyến đường khang trang, sạch đẹp.

Hướng tới kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng và chuẩn bị đón xuân Ất Tỵ 2025, Di tích lịch sử đình Hàm Hạ trở nên nhộn nhịp hơn khi đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân về dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với các bậc tiền bối, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, các anh hùng liệt sĩ cùng nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào đã cống hiến cho quê hương, đất nước, để từ đó họ có thêm nhiều động lực dựng xây Hàm Hạ ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-tham-ham-ha-237976.htm
Zalo