Thượng tôn giá trị nghề nghiệp

Trong hành trình mưu sinh, ai cũng cần một công việc để sống. Sống chỉ để tồn tại khác xa với sống có giá trị. Làm nghề không chỉ đơn thuần kiếm tiền, quan trọng nhất là tạo ra giá trị cho khách hàng và xã hội để được trả công xứng đáng, bền vững. Giá trị tạo ra và đạo đức nghề nghiệp là linh hồn của làm ăn chân chính cần được thấu hiểu và thượng tôn khi hành nghề.

Thế nhưng, trong nhịp sống hiện đại, khi tốc độ và lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, rất nhiều người làm nghề đang quên đi điều quan trọng nhất là đạo đức và giá trị thực sự từ công việc của họ mang lại. Gần đây, dư luận xôn xao về những hành vi làm ăn gian dối, như vụ sản xuất hàng giả, quảng cáo lừa dối khách hàng, đến những chiêu trò đánh tráo khái niệm “giá trị” bằng “đánh bóng tên tuổi”.

Tất cả đang khiến cho môi trường nghề nghiệp trở nên méo mó, và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn niềm tin của cộng đồng vào những người làm nghề chân chính.

Có nhiều nguyên nhân, trước hết là áp lực sinh tồn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Không ít người thiếu nhận thức và bản lĩnh khi đứng trước sự lựa chọn đồng tiền hay đạo đức. Đôi khi họ sẵn sàng hy sinh giá trị đạo đức để đổi lấy đồng tiền mà không hiểu được bản chất của kiếm tiền là phải tạo ra giá trị để người dùng sẵn sàng trả giá cao. Không có hoạt động kiếm tiền nào bền vững nếu không tạo ra giá trị cho người trả tiền.

Bên cạnh đó, sự rối loạn về hệ giá trị trong xã hội cũng là một phần nguyên nhân, khi một số người làm ăn gian dối sống sung túc lại được tung hô, còn không ít người trung thực thì chịu thiệt thòi. Thêm vào đó là sự thiếu hụt trong giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, chỉ chú trọng đến dạy làm việc mà ít quan tâm đến dạy đạo đức nghề nghiệp.

Và cuối cùng, không thể không nói đến sự lỏng lẻo trong thực thi pháp luật, khi những vi phạm không kịp thời bị xử lý nghiêm minh, cái sai sẽ lặp lại và trở thành điều bình thường.

Khơi dậy tinh thần thượng tôn giá trị trong nghề nghiệp là điều rất quan trọng. Trước hết, trong giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng đến trang bị cho người học về đạo đức nghề nghiệp để khi bước vào nghề, trong tiềm thức của mỗi người luôn mang trong mình sứ mệnh tạo ra giá trị giúp ích cho người khác và xã hội. Tiếp theo là cộng đồng nghề nghiệp đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu lối hành xử đúng đắn, là “hàng rào” đạo đức giúp ngăn ngừa hành vi lệch chuẩn.

Khi cộng đồng nghề nghiệp xác định đạo đức là yếu tố quan trọng, sẽ tạo ra sức ép tích cực buộc từng cá nhân phải soi lại chính mình. Đồng thời, khi cộng đồng công nhận và tôn vinh những người làm nghề có tâm, sự tử tế sẽ không còn là “cuộc chiến” đơn độc.

Song song đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự phát triển của những người làm nghề chân chính bằng việc xây dựng một hệ thống pháp lý minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời ngăn chặn gian lận và hàng hóa kém chất lượng; xây dựng chính sách hỗ trợ sáng tạo và đổi mới, như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho những người tạo ra giá trị bền vững để giúp họ phát triển.

Để tinh thần thượng tôn giá trị nghề nghiệp lan tỏa mạnh mẽ, xã hội cần tôn vinh đúng người, đúng việc, dành sự trân trọng cho những người thầm lặng tạo ra giá trị thật, như người thợ sửa xe tận tâm, cô giáo vùng cao kiên trì dạy chữ, bác sĩ tận tụy cứu người, nông dân chăm chút từng vụ mùa…

Khi đạo đức được giữ gìn, khi giá trị thật được đặt lên hàng đầu, thì nghề nghiệp sẽ trở thành niềm tự hào chứ không phải gánh nặng. Khi mỗi người làm nghề chọn cách sống tử tế, xã hội sẽ trở nên lành mạnh hơn, bền vững hơn.

TS HUỲNH THANH ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuong-ton-gia-tri-nghe-nghiep-post794977.html
Zalo