Thưởng Tết Nguyên đán ở Tp.HCM: Ngành nào có mức thưởng cao nhất?
Dù có sự chênh lệch giữa các ngành nghề, nhưng mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán 2025 tại Tp.HCM cao hơn so với năm trước. Tp.HCM còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử có mức thưởng Tết cao nhất
Theo Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH) Tp.HCM, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có báo cáo Sở về mức thưởng Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Tp.HCM.
Theo báo cáo của Sở tổng hợp từ 1.570 doanh nghiệp tại Tp.HCM, mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm, thương mại…
Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn. Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bình quân đạt 12,7 triệu đồng/người, cao hơn so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12,3 triệu đồng/người).
Thông tin với Người Đưa Tin, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Tp.HCM, cho biết, mức thưởng Tết Dương lịch chỉ còn 3,4 triệu đồng/người, thấp hơn mức thưởng Tết Dương lịch năm 2024 với 4,7 triệu đồng.
Có 737 doanh nghiệp (chiếm 47%), ngoài tiền thưởng Tết còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như: tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết, tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp Tết.
Sở LĐTB&XH Tp.HCM đã ban hành các kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết năm 2025 cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động với phương châm "Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn người lao động, không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau".
Với chủ đề Tết Sum vầy - Xuân đoàn kết, Tp.HCM đã chi 27 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với Tết năm 2024, để tập trung chăm lo cho 15.000 hộ gia đình công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên công đoàn viên bị nợ lương, nợ bảo hiểm, bị ảnh hưởng bão lũ, không có điều kiện về quê…
Ngoài ra, hàng loạt chương trình bổ ích khác như "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình ngày Tết với chủ đề khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, chăm lo cho hơn 9.500 đoàn viên khó khăn, đoàn viên nghiệp đoàn với kinh phí 9,5 tỷ đồng để sắm Tết…
Tổ chức chương trình Tấm vé nghĩa tình - Xuân đoàn viên đưa 500 hộ gia đình đoàn viên về quê đón Tết với kinh phí 4,1 tỷ đồng, chăm lo hơn 10 triệu hộ gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn Tp.HCM tham gia chương trình Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng Thành phố, ước tính kinh phí 9,5 tỷ đồng…
Đặc biệt, Tp.HCM còn có chương trình quan tâm hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình Chợ Tết công đoàn, chuyến tàu công đoàn, chuyến bay công đoàn với 495 vé tàu, 118 vé máy bay cho người lao động, đoàn viên, tổng kinh phí là 2,2 tỷ đồng, Chợ tết công đoàn để đoàn viên, người lao động sắm Tết với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng….
Giải pháp giữ chân người lao động sau Tết
Để ổn định tình hình lao động tại Tp.HCM, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghệ cao và UBND các quận, huyện để giám sát, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp chậm trả lương, nợ bảo hiểm xã hội, hoặc phải cắt giảm việc làm.
Các sở, ngành rà soát và thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động, bao gồm tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi và dân chủ cơ sở theo quy định.
Đồng thời, phối hợp với Liên đoàn Lao động Tp.HCM và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình lao động, việc làm, và quan hệ lao động tại các doanh nghiệp, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và đối thoại định kỳ tại Tp.HCM.
Sở LĐTB&XH Tp.HCM tăng cường các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, đồng thời ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công.
Khi xảy ra tranh chấp, đình công, Sở sẽ nhanh chóng nắm bắt tình hình, hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng để giải quyết, không để tình trạng đình công kéo dài, lan rộng, gây mất trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán 2025.
Dự kiến thưởng Tết Nguyên đán 2025, đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân đạt 11,1 triệu đồng/người, cao nhất 81,4 triệu đồng và thấp nhất 7,8 triệu đồng/người.
Các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước dự kiến thưởng bình quân 12,4 triệu đồng/người. Trong đó, mức cao nhất đạt 251 triệu đồng và thấp nhất là 7,9 triệu đồng/người.
Tại các doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân là 11,8 triệu đồng/người, cao nhất 471 triệu đồng và thấp nhất 5,7 triệu đồng/người.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn đầu với mức thưởng bình quân đạt 13,5 triệu đồng/người. Đặc biệt, mức thưởng cao nhất lên tới hơn 1,9 tỷ đồng, thấp nhất là 6,1 triệu đồng/người.