Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua, bán người
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua, bán người (MBN), tỉnh ta đã tích cực phối hợp với tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Việt Nam triển khai hiệu quả Dự án phòng, chống MBN, tạo nhiều đổi thay trong cộng đồng.
Là địa phương thuộc vùng triển khai Dự án Phòng, chống MBN, huyện Đồng Văn đã có nhiều chuyển biến. Bà Sùng Thị Xén, đại diện Ban thực hiện Dự án huyện cho biết: Là địa bàn vùng sâu, xa, hoạt động MBN tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, do vậy, để đạt được hiệu quả lâu dài cần sự chung tay của mỗi cá nhân, tổ chức và chính quyền. Đặc biệt, được tổ chức Trẻ em Rồng xanh hỗ trợ đã tạo hiệu quả trong phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, thanh thiếu niên. Trong đó, các hợp phần được triển khai bài bản, tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tại cộng đồng; kịp thời nắm bắt thông tin nạn nhân và những trường hợp đặc biệt để có giải pháp hỗ trợ. Chúng tôi cũng lựa chọn các địa bàn trọng điểm để tuyên truyền, xây dựng năng lực nhận biết cho học sinh, đối tượng dễ bị ảnh hưởng. Tính riêng 2024, dự án hỗ trợ cho 1 nạn nhân trở về nhận trợ cấp khó khăn ban đầu; hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng, lương thực cho 7 nạn nhân, nghi ngờ là nạn nhân. Cùng với đó, tạo sinh kế cho trên 30 đối tượng từ chăn nuôi bò và khởi nghiệp từ dệt vải lanh; tổ chức gần 50 buổi tuyên truyền, thu hút gần 3.000 người tham gia.

Người dân tiếp cận kiến thức phòng ngừa mua, bán người qua hoạt động của tổ chức Trẻ em Rồng xanh.
MBN là vấn đề gây tổn hại nghiêm trọng về quyền con người, gây ra hệ lụy kéo dài cho cộng đồng và xã hội. Trước thực tế đó, tổ chức Trẻ em Rồng xanh đã phát triển Dự án Phòng, chống MBN tại Hà Giang với mục tiêu: Tăng cường nhận thức cộng đồng; hỗ trợ pháp lý, tâm lý cho nạn nhân; xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo kỹ năng cho trẻ em và thanh, thiếu niên; vận động chính sách cải thiện môi trường pháp lý và giải pháp phòng, chống MBN. Được triển khai từ 2019, Ban thực hiện dự án tại các địa phương tập trung nâng cao năng lực cho thành viên, đảm bảo tính chủ động và điều chỉnh cách thức triển khai phù hợp. Đồng thời, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể tham gia. Đặc biệt, Ban quản lý Dự án Phòng, chống MBN tỉnh xây dựng nhóm giảng viên của các sở, ngành để tập huấn, truyền thông. Đây được đánh giá là giải pháp sáng tạo bởi đã huy động kiến thức của các chuyên gia địa phương vào dự án, chuyển giao kỹ năng bền vững.

Ban thực hiện Dự án Phòng, chống MBN huyện Mèo Vạc tổ chức tuyên truyền cho người dân.
Dự án Phòng, chống MBN triển khai với 4 hợp phần chính, gồm: Thượng tôn pháp luật; tái hòa nhập cho nạn nhân; xây dựng năng lực phòng ngừa cộng đồng; tăng cường hợp tác liên ngành phòng, chống MBN, xâm hại trẻ em và mở rộng các mô hình thành công. Trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan trực tiếp hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nhiều nạn nhân trong quá trình điều tra vụ án. Với kinh phí thực hiện 4,2 tỷ đồng, năm 2024, các địa phương đẩy mạnh phòng ngừa tại cộng đồng, tổ chức truyền thông tại 56 thôn, 20 trường học, thu hút trên 21.000 lượt người tham gia. Hỗ trợ triển khai các sáng kiến, duy trì mô hình quản lý nạn nhân tại cộng đồng ở 3 huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn và hỗ trợ sinh hoạt phí, thực phẩm hàng tháng cho 41 đối tượng. Đặc biệt, tập trung phòng ngừa cho lứa tuổi học sinh, dự án đã hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo, trải nghiệm nghề ngắn hạn. Cùng với đó, chu cấp phí sinh hoạt, thực phẩm hàng tháng cho 19 trường hợp nguy cơ cao; tặng học bổng, đồ dùng học tập cho 334 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Dự án Phòng, chống MBN tại Hà Giang tiếp tục bước vào giai đoạn mới hướng tới việc làm chủ mô hình của các địa phương. Với tổng kinh phí thực hiện dự kiến năm 2025 trên 4,5 tỷ đồng, tổ chức Trẻ em Rồng xanh tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ triển khai hiệu quả các hợp phần, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, thiết lập hệ thống cán bộ công tác xã hội; triển khai các mô hình thiết thực, phù hợp; đa dạng tuyên truyền, nhất là khu vực biên giới; hỗ trợ sinh kế bền vững cho các nạn nhân...