Thuế quan của Mỹ: Khả năng thích ứng của ASEAN
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, các nhà phân tích kinh tế Malaysia đánh giá mức thuế đơn phương do chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt ra có thể gây ra những tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, 'cơn bão thuế quan' này sẽ mất dần tác dụng theo thời gian khi xét đến khả năng phục hồi của các quốc gia thành viên.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Hãng Thông tấn Bernama dẫn phỏng vấn Giáo sư Kinh tế tại Đại học Sunway (Malaysia) Yeah Kim Leng cho biết, việc áp thuế có thể làm tăng giá hàng tiêu dùng, dẫn đến sụt giảm nhu cầu và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á. Ông cũng lưu ý rằng tình trạng bất ổn chính sách có thể làm giảm niềm tin của giới đầu tư và người tiêu dùng, kéo theo sự thận trọng trong chi tiêu và đầu tư, ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ở góc nhìn tương tự, Giáo sư Roy Anthony Rogers, Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Á - Âu tại Đại học Malaya, cho rằng các mức thuế mới sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại trong ngắn hạn. Ông nhận định, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, các hành động đơn phương sẽ gây ra “hiệu ứng domino” do sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và mối liên kết dòng vốn.
Đánh giá về những ngành dễ bị tổn thương, Giáo sư Yeah Kim Leng lưu ý rằng, các nền kinh tế ASEAN phụ thuộc vào các ngành công nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu, có vốn đầu tư lớn và đòn bẩy tài chính cao, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn với các khoản vay nước ngoài khổng lồ, sẽ khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc chiến thuế quan - rủi ro tài chính.
Theo ông, các ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao, bao gồm cả trung tâm dữ liệu, dễ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip tiên tiến. Các thiết bị điện tử tiên tiến cao cấp và chuỗi cung ứng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi áp lực đưa trở lại Mỹ các cơ sở sản xuất của Tổng thống Donald Trump, trong khi các sản phẩm khác phải đối mặt với mức thuế quan cao có thể khiến chúng không thể giao dịch hoặc không có khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nếu các nước xuất khẩu khác đàm phán được mức thuế quan thấp hơn. Ông lưu ý ngành quang điện mặt trời tại Malaysia đã ghi nhận ảnh hưởng nhất định.
Trước những thách thức đó, các quốc gia ASEAN đang tìm cách điều chỉnh chiến lược để giảm thiểu rủi ro. Giáo sư Roy Anthony đề xuất Malaysia – với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN – nên triệu tập một hội nghị cấp cao đặc biệt giữa các nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại để phối hợp phản ứng một cách thống nhất trong các cuộc đối thoại với Mỹ.
Ông cũng nêu ý tưởng khôi phục Nhóm Kinh tế Đông Á (EAEC 2.0), trong đó có cả Australia và New Zealand tham gia, nhằm đẩy mạnh thương mại nội khối và đa dạng hóa thị trường. Mục tiêu không nhằm đối trọng với các đối tác phương Tây, mà là để tăng cường khả năng tự cường kinh tế khu vực.
Dự báo về triển vọng tiếp theo, các chuyên gia cho rằng nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài, các nền kinh tế sẽ có xu hướng tìm kiếm thị trường thay thế, đồng thời điều chỉnh chiến lược tài chính và thương mại để thích ứng. Một số nhận định cho rằng các diễn biến này có thể tạo áp lực lên đồng USD trong dài hạn, trong khi thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục biến động. Nếu căng thẳng về thuế không hạ nhiệt, các thị trường tài chính có thể đối mặt với rủi ro bất ổn, đặc biệt ở những nền kinh tế có mức nợ cao và phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài do dòng vốn “tháo chạy” khỏi thị trường.
Xét đến nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á như năm 1997-1998, Giáo sư Yeah Kim Leng cho rằng khả năng là không cao, do khu vực này giảm phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài, khả năng phục hồi tài chính mạnh hơn phát sinh từ cán cân tài chính được cải thiện và mức nợ chính phủ từ thấp đến trung bình. Hơn nữa, mối liên kết thương mại và đầu tư của khu vực với Trung Quốc đã tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ, điều này có thể bảo vệ một phần từng quốc gia thành viên khỏi các cú sốc kinh tế bên ngoài.
Trong khi đó, Giáo sư Roy Anthony cảnh báo rằng một cuộc suy thoái toàn cầu nếu xảy ra có thể trở nên nghiêm trọng, tương tự những hệ lụy kinh tế từng xảy ra trong thập niên 1930.