Không thể chấp nhận việc cán bộ, công chức làm việc theo kiểu cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ

Cho ý kiến tại phiên thảo luận dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Phạm Văn Hòa đồng tình quan điểm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo KPI để hạn chế việc dù không đạt chất lượng nhưng vẫn được làm việc, tăng lương.

Có tiêu chí rõ ràng, rành mạch để tránh tuyển dụng nhầm

Chiều nay (14/5), tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các ĐBQH cho ý kiến liên quan đến việc thu hút, tuyển dụng người tài; chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức và nhiều vấn đề khác.

ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp quan tâm đến việc thu hút, tuyển dụng người tài. Theo đại biểu, đây không phải là điểm mới nhưng các chính sách ưu đãi vượt trội dành cho các đối tượng là hết sức cần thiết.

Ông Hòa nhấn mạnh: "Mặc dù người tài mới được tuyển vào nhưng có khả năng lương họ gấp đôi, gấp ba những người làm việc khác". Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, phải đánh giá chính xác thế nào là người tài và cần có các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, rành mạch để tránh "tuyển dụng nhầm"".

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Liên quan đến tuyển công chức, ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, thời điểm hiện tại có thể tạm chưa tuyển bởi đang sắp xếp ĐVHC thì biên chế nhiều và sắp tới sẽ không còn tư duy "biên chế suốt đời".

Cho rằng tư duy trên rất mới và đã được nói rất nhiều lần nhưng chưa thực hiện được và ông Hòa cũng nhấn mạnh quan điểm: "Không thể chấp nhận được sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, làm việc theo kiểu cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ".

Bên cạnh đó, ông đồng tình, thống nhất quan điểm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo KPI để hạn chế việc dù không đạt chất lượng nhưng vẫn được làm việc, tăng lương. Và việc này sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng dựa trên vị trí việc làm, hiệu quả công việc thay cho đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay. Khi đó sẽ biết họ làm việc gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm... đều được lượng hóa.

Đối với trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí công việc thấp hơn hoặc nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì buộc thôi việc.

"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp"

Cùng bàn về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu quan điểm, để chính sách đãi ngộ, phát hiện người tài cần nhìn nhận rõ tài năng trong hoạt động công vụ là dạng tài năng đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Bà Việt Nga phân tích cho quan điểm trên: "Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lí vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công. Muốn thu hút và giữ chân người tài, những ưu đãi không chỉ dừng ở tiền lương, điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội cống hiến, được tin tưởng và trọng dụng".

Do đó, bà Việt Nga kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ hơn một số cơ chế then chốt liên quan đến việc phát hiện và trọng dụng nhân tài cho khu vực công theo hướng: Thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và theo hiệu quả công vụ chứ không chỉ dựa vào hình thức hay quy trình; Cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt là những vị trí cần sáng tạo, đổi mới…

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Còn ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị, cần có chính sách đột phá, mang tính lâu dài hơn, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công. Cụ thể, tại khoản 1 điều 5 dự thảo Luật đề nghị bổ sung, sửa đổi như sau: Nhà nước có chính sách đặc biệt trong bồi dưỡng, đào tạo, thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ và có chính sách đặc biệt cho các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên sâu cho nền giáo dục công vụ Quốc gia.

Ngoài ra, bà Xuân cho rằng: "Cần nghiên cứu xem xét các chế độ chính sách lương, ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu của Đảng, Bộ, Ngành, địa phương, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở trung ương và địa phương tương đương và không thấp hơn khu vực tư để giữ chân nhân tài. Đây là động lực cho đội ngũ cán bộ công chức".

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-the-chap-nhan-viec-can-bo-cong-chuc-lam-viec-theo-kieu-cam-chung-ma-van-duoc-danh-gia-hoan-thanh-nhiem-vu-169250514173807047.htm
Zalo