Thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực, ASEAN+3 cần phản ứng toàn diện và linh hoạt

Chính sách thuế đối ứng của Mỹ với hàng chục đối tác thương mại chính thức có hiệu lực. Do các quốc gia đang tìm cách phản ứng phù hợp nên giới phân tích cho rằng, đến nay vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực sự.

Từ 0 giờ 1 phút ngày 9.4 (giờ Mỹ), tức 11 giờ 1 phút theo giờ Việt Nam, thuế đối ứng áp dụng với hàng chục đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ được nâng lên, từ mức chung 10%. Mức thuế mới từ 11 - 84%, tùy mỗi quốc gia.

Ví dụ, hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức từ 20 - 26%. Bên cạnh đó, Việt Nam bị áp mức thuế 46%. Cao nhất là Trung Quốc với 84%, nâng tổng mức thuế bổ sung nước này phải chịu trong nhiệm kỳ Trump 2.0 lên 104%.

Trong hai ngày 7 - 8.4 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu tham dự Hội nghị Các Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Thứ trưởng Tài chính ASEAN, ASEAN+3.

Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại hội nghị

Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao đến từ NHTW, Cơ quan Quản lý tiền tệ, Bộ Tài chính của các thành viên ASEAN+3, các tổ chức quốc tế và khu vực như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

Đại diện ADB nhấn mạnh thách thức nghiêm trọng mà khu vực ASEAN+3 đang đối mặt đó là các mức thuế mới mà Mỹ công bố ngày 2.4 đối với hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia trong khu vực, dao động từ 10 - 49%, trong đó Việt Nam chịu mức 46%. Mức thuế cao này sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa từ ASEAN+3, gây gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu và có khả năng tạo áp lực lạm phát, một số quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan đối ứng.

Trong bối cảnh đó, ADB khuyến nghị khu vực ASEAN+3 cần có phản ứng chính sách toàn diện để ứng phó hiệu quả với các tác động kinh tế tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ. Việc thúc đẩy và nâng cấp các hiệp định thương mại hiệu quả hơn thông qua đơn giản hóa quy tắc thương mại, điều chỉnh quy tắc xuất xứ phù hợp với chuỗi sản xuất khu vực và mở rộng đa dạng hóa đối tác đóng vai trò quan trọng nhằm tăng cường liên kết khu vực.

Bên cạnh đó, ADB cho rằng hợp tác tài chính khu vực được đánh giá là chìa khóa để tăng cường ổn định tài chính. ADB khẳng định vai trò của các mạng lưới an toàn tài chính khu vực như: Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô của AMRO trong giảm thiểu rủi ro lây lan và tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài.

Về phía AMRO, trong bối cảnh Mỹ công bố các mức thuế quan đối ứng mới, AMRO cảnh báo cú sốc thương mại này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ASEAN+3, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia. Mức thuế mà Mỹ mới công bố kéo theo sụt giảm trên thị trường chứng khoán và dịch chuyển dòng vốn từ cổ phiếu sang trái phiếu và các đồng tiền trú ẩn.

Theo AMRO, tác động của các biện pháp thuế quan sẽ khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực, tùy thuộc vào cách từng nước điều chỉnh chính sách ứng phó. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN+3 được dự báo có thể chậm lại nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài, và tình hình có thể trở nên khó khăn hơn trong những kịch bản không thuận lợi. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhận định khu vực đã dần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ nhờ tăng cường thương mại nội khối và mở rộng thị trường sang Trung Quốc, qua đó phần nào gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, AMRO khuyến nghị các phản ứng chính sách của các nước nên có trọng tâm và linh hoạt. Bên cạnh việc phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa một cách thận trọng để duy trì ổn định tài chính, việc thúc đẩy tự do hóa thương mại dịch vụ, đa dạng hóa xuất khẩu và tăng cường năng lực đổi mới sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của khu vực trong trung và dài hạn.

Các Phó thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính ASEAN+3 đánh giá chính sách thuế quan mà Mỹ mới công bố có tác động lớn tới các quốc gia trong khu vực, đi ngược lại xu hướng thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Các đại biểu cho rằng đây không phải là giải pháp xử lý vấn đề thâm hụt thương mại và chiến tranh thương mại là điều không quốc gia nào mong muốn. Một số thành viên đã thúc đẩy các hành động nhằm ứng phó với vấn đề này như điện đàm song phương với Mỹ, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại.

Hội nghị đề xuất một số khuyến nghị chính sách để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ, cụ thể là: Đảm bảo ưu tiên cao nhất là không để các biến động trên thị trường tài chính ảnh hưởng đến ổn định tài chính; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc nhằm tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài; cần có các phản ứng linh hoạt, chủ động và các giải pháp thận trọng để xử lý vấn đề này; thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Cân nhắc việc xây dựng kế hoạch tổng thể hợp tác khu vực để tăng cường đoàn kết, hợp tác, trao đổi thông tin giữa các quốc gia, tháo gỡ các rào cản đối với tiến trình hội nhập khu vực. Bên cạnh đó, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của các mạng lưới an toàn tài chính khu vực và đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá tác động và tư vấn chính sách cho các quốc gia trong khu vực để ứng phó với vấn đề thuế quan hiện nay.

Bên lề hội nghị, Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi làm việc song phương với quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ - ông Robert Kaproth. Hai bên đã trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô và công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Phó thống đốc nhấn mạnh chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN chủ yếu nhằm duy trì ổn định giá cả và đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở cao, dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài. NHNN đã và đang điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá một cách linh hoạt, phù hợp với giai đoạn phát triển của thị trường tài chính trong nước và thị trường ngoại hối, đồng thời phù hợp với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. NHNN không sử dụng chính sách tỷ giá để tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.

Trao đổi về chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ, Phó thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chia sẻ ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump để trao đổi về quan hệ Việt Nam – Mỹ, khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đi đến thỏa thuận song phương, tiến tới thương mại bền vững.

Phó thống đốc cũng thông báo, các cơ quan, ban ngành của Việt Nam đã rất tích cực liên hệ, kết nối với các cơ quan của chính quyền Tổng thống Trump để sớm tìm ra giải pháp xử lý vấn đề thuế quan giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam đã đề nghị phía Mỹ hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam ít nhất là 45 ngày để chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái.

Quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ ghi nhận sự thất vọng và quan ngại của các NHTW và Bộ Tài chính ASEAN trước chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ, khẳng định sẽ hợp tác với các nước ASEAN để giải quyết vấn đề này từ góc độ kỹ thuật.

Hai bên cam kết tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, đối thoại chính sách giữa NHNN và Bộ Tài chính Mỹ để trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thue-doi-ung-cua-my-co-hieu-luc-asean-3-can-phan-ung-toan-dien-va-linh-hoat-231347.html
Zalo