Yếu tố có thể khiến giá vàng sẽ tăng thêm

Ông Trump muốn giảm lãi suất, nhưng chủ tịch Fed nói không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng muốn ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rời vị trí.

Nguyên nhân, trước đó, rất nhiều lần ông Trump yêu cầu Fed hạ nhanh lãi suất. Nhưng vị chủ tịch Fed đã không thực thi như yêu cầu ông Trump. Vị chủ tịch Fed khẳng định, việc hạ lãi suất chỉ dựa trên số liệu, không đến từ cảm tính.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào ngày 17-4, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed nhận định, các mức thuế quan trên diện rộng của ông Trump đối với hầu như mọi đối tác thương mại có thể đặt Fed vào tình thế khó khăn trong việc phải lựa chọn giữa việc giải quyết lạm phát và thất nghiệp.

Chính sách thuế quan lúc dừng, lúc tiếp tục của ông Trump đã khiến các nhà đầu tư và chính phủ trên toàn thế giới lo lắng, khiến họ không chắc chắn về chiến lược dài hạn của ông và ý nghĩa của nó đối với thương mại quốc tế.

Ông Powell cũng nói về nỗi lo đình lạm, một tình huống gây ra giá cả tăng cao và nhiều người không có việc làm cùng xảy ra.

Ông giải thích: "Thông thường, khi kinh tế yếu, lạm phát thấp và thất nghiệp cao, thì lúc đó chúng ta sẽ giảm lãi suất để kích thích kinh tế.

Ngược lại, khi kinh tế mạnh, lạm phát cao, chúng ta sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Vì vậy, bình thường thì hai mục tiêu gồm kiểm soát lạm phát và giảm thất nghiệp không xung đột nhau.

Nhưng hiện tại, thị trường lao động vẫn tốt, nhưng những cú sốc chúng ta đang phải chịu, những tác động chúng ta đang cảm nhận, lại là cả thất nghiệp cao hơn và lạm phát cao hơn.

Vấn đề là công cụ lãi suất chỉ có thể giải quyết một trong hai vấn đề đó cùng một lúc. Điều này khiến các ngân hàng trung ương rơi vào tình thế rất khó khăn".

Do đó, Fed vẫn giữ lãi suất ở mức ổn định 4,25 - 4,5% kể từ đầu năm 2025 đến nay.

Nếu ông Trump yêu cầu được Fed giảm lãi suất, giá vàng sẽ có xu hướng tăng cao. Thông thường, vàng và lãi suất có xu hướng ngược chiều, cái này giảm thì cái kia tăng và ngược lại.

Cụ thể hơn, vàng là tài sản không hưởng lãi suất, mà chỉ có lợi nhuận khi giá tăng. Khi lãi suất trên các tài sản khác như trái phiếu, tiền gửi ngân hàng giảm, việc nắm giữ vàng trở nên ít tốn kém hơn về mặt cơ hội. Điều này làm tăng sức hấp dẫn của vàng.

Khi lãi suất giảm, đặc biệt là ở một quốc gia lớn như Mỹ, nó có thể làm giảm giá trị của đồng đô la Mỹ. Vì vàng thường được định giá bằng đô la Mỹ. Khi đồng đô la Mỹ yếu đi, vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, làm tăng nhu cầu và đẩy giá vàng lên.

Lãi suất thấp thường được duy trì để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, nếu lãi suất quá thấp trong thời gian dài, nó có thể dẫn đến lo ngại về lạm phát trong tương lai. Vàng thường được xem là một công cụ bảo vệ chống lại lạm phát, vì vậy khi kỳ vọng lạm phát tăng, nhu cầu vàng cũng có xu hướng tăng.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/yeu-to-co-the-khien-gia-vang-se-tang-them-post845160.html
Zalo