Hà Nội hoàn thành 8/8 chỉ tiêu về đích nông thôn mới
Hoàn thành cả 8 tiêu chí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội chính thức đạt đủ điều kiện công nhận 'Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024'.
Sáng 18/4, tại Hội nghị bỏ phiếu đề nghị xét công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Hà Nội đã đồng thuận.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Thành phố đã hoàn thành cả 8/8 tiêu chí theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: tỷ lệ huyện, thị xã đạt chuẩn; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được HĐND thông qua; tỷ lệ đường trồng cây xanh; diện tích đất cây xanh công cộng; chỉ số hài lòng của người dân và các tiêu chí về môi trường sống, an sinh xã hội.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phát biểu tại cuộc họp.
Tính đến nay, Hà Nội có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5/4 huyện (vượt chỉ tiêu) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì và Thanh Oai. Bên cạnh đó, toàn thành phố có 229/382 xã (chiếm 60%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt xa yêu cầu 40% theo quy định.
Đặc biệt, huyện Thường Tín - địa phương vừa được 40/40 thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã nâng tổng số huyện nông thôn mới nâng cao của Hà Nội lên con số 6, vượt mục tiêu trung ương đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.
Không chỉ đạt về mặt con số, chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội thực sự tạo ra thay đổi sâu rộng về chất lượng sống, thu nhập và an sinh cho người dân. Đến năm 2024, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Hà Nội đạt khoảng 75 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.
Đáng chú ý, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,25%, tăng hơn 5% so với năm 2020. Tỷ lệ làng văn hóa giữ vững danh hiệu đạt 95,4% (tăng 33,4%); 95% hộ gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa; 98,3% lao động có việc làm thường xuyên; 74,25% lao động qua đào tạo và hơn 54% có bằng cấp, chứng chỉ. Đây là những con số phản ánh chất lượng sống ngày càng cải thiện rõ nét trong các vùng nông thôn của Thủ đô.
Kết quả lấy ý kiến hơn 136.000 hộ dân thuộc 124 xã của 18 huyện, thị xã cho thấy mức độ hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới của người dân đạt rất cao, từ 98,8% đến 99,75%. Riêng câu hỏi tổng hợp mức độ hài lòng đạt 99,66%.
Song song với chuyển biến về văn hóa, xã hội, kinh tế nông thôn Hà Nội cũng ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng. Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt hơn 66.373 tỷ đồng, tăng 12,35% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản vượt 2 tỷ USD, trong đó, nông sản và thực phẩm đạt 1,463 tỷ USD, tăng gần 34%.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội vượt mốc 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, phản ánh chuyển dịch rõ nét sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có giá trị gia tăng và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ. Hơn 70% đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ đã được trồng cây xanh dọc tuyến, cải thiện cảnh quan và chất lượng môi trường sống. Diện tích đất cây xanh công cộng đạt bình quân 4 m2/người – một con số không dễ đạt với các tỉnh/thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, hành trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, nhất là giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, giá nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố và nỗ lực từ cơ sở, Hà Nội đã về đích đúng kế hoạch, đạt vượt nhiều tiêu chí.
“Các sở, ngành sớm hoàn thiện hồ sơ, làm rõ những kết quả nổi bật trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là việc phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sống nông thôn, để trình cấp có thẩm quyền công nhận chính thức Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024”, ông Quyền đề nghị.
Theo định hướng, Thành phố sẽ tiếp tục nâng chuẩn các xã đạt nông thôn mới nâng cao lên nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với chuyển đổi số, kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn và xây dựng vùng nông thôn thông minh. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm OCOP để nâng cao thu nhập cho nông dân.