Thực phẩm nào giầu kẽm, biểu hiện thiếu kẽm của trẻ?

Nếu thiếu kẽm, cơ thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về miễn dịch và sự tăng trưởng của trẻ. Vậy, biểu hiện thiếu kẽm của trẻ như thế nào, thực phẩm giầu kẽm giúp trẻ bổ sung hiệu quả.

Vai trò kẽm đối với trẻ em

Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật, giúp tăng cường hệ miễn dịch, sản sinh tế bào, từ trong giai đoạn mang thai đến quá trình phát triển của trẻ về sau.

Kẽm tác động tới các enzyme trong cơ thể, giúp kích thích quá trình tổng hợp protein nhờ đó mà trẻ được bổ sung kẽm đầy đủ sẽ có cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng hơn. Kẽm là nguyên tố vi lượng tham gia vào quá trình hình thành nên hơn 300 enzyme trong cơ thể.

Tác động tới việc tổng hợp chất đạm ở cơ thể trẻ, thúc đẩy quá trình phân chia tế bào, giúp trẻ phát triển cao lớn.

Bên cạnh đó kẽm còn giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác.

Đối với miễn dịch kẽm còn giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào lymphoT, tế bào lympho B từ đó giúp cơ thể có hệ thống phòng thủ, có chức năng chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường sức đề kháng giúp trẻ khỏe mạnh, ít ốm vặt.

Nguyên nhân gây thiếu kẽm chủ yếu ở trẻ nhỏ là do chế độ ăn không đa dạng thực phẩm; khẩu phần ăn thiếu các thực phẩm giàu kẽm và vitamin C; chất lượng bữa ăn kém, ăn nhiều ngũ cốc, ít thức ăn có nguồn gốc động vật; khẩu phần ăn nhiều chất ức chế hấp thu sắt kẽm (đậu đỗ không bỏ vỏ…); trẻ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp…

Kẽm đóng vai trò sinh học rất quan trọng đối với sức khỏe con người

Kẽm đóng vai trò sinh học rất quan trọng đối với sức khỏe con người

Dấu hiệu của thiếu kẽm

Đối với trẻ nhỏ, việc thiếu kẽm không quá khó để nhận biết vì chúng gây ảnh hưởng trực tiếp tới những vấn đề về sức khỏe mà mẹ có thể nhìn thấy dễ dàng.

Có thể phát hiện trẻ bị thiếu kẽm thông qua một số biểu hiện như trẻ ăn không ngon, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, tổn thương vùng da và mắt, chậm phát triển… Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác, do đó trẻ thiếu kẽm không có cảm giác ngon miệng khi ăn.

Về lâu dài, thiếu kẽm ở trẻ sẽ gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn. Khi trẻ bị thiếu kẽm sẽ tác động tiêu cực tới việc phát triển chiều cao, thể chất, hệ thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ. Chưa kể, nếu cơ thể trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu kẽm sẽ dẫn đến thấp còi, giảm chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong cao.

Thực phẩm nào giầu kẽm?

Đối với trẻ dưới 6 tháng thì nguồn kẽm duy nhất là từ sữa mẹ. Tuy nhiên, lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, người mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như bổ sung kẽm trong chế độ ăn, tránh trường hợp trẻ sơ sinh thiếu kẽm.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ qua thực phẩm. Để trẻ hấp thu kẽm tốt nhất, nên bổ sung thêm vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu vitamin C tự nhiên như cam, quýt, chanh, bưởi…

Các thực phẩm giầu kẽm

Bổ sung kẽm cho trẻ bằng thực phẩm qua chế độ ăn uống hàng ngày là việc khá đơn giản đối với gia đình. Hãy đảm bảo trong bữa ăn của bé có các thực phẩm sau đây.

Hàu, tôm, cua là những hải sản giàu kẽm hàng đầu để đáp ứng nhu cầu kẽm cho trẻ. Ngoài ra, các loại hải sản này cũng cung cấp cho cơ thể bé đủ protein, các khoáng chất thiết yếu và vitamin.

Rau củ với hàm lượng chất xơ nổi bật nhất cũng chính là nguồn cung cấp kẽm tiềm năng.Các mẹ nên bổ sung vào bữa ăn của bé các loại nấm, bông cải xanh và tỏi để đảm bảo nhu cầu kẽm được đáp ứng .

Sữa và sản phẩm bơ sữa là nguồn cung cấp canxi đồng thời cũng bổ sung lượng kẽm không nhỏ cho trẻ.

Ngoài ra, các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng đều sở hữu hàm lượng kẽm dồi dào. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn chất sơ và sắt có lợi cho bữa ăn của các bé. Các loại hạt nói chung và đặc biệt là 4 loại hạt: hạt bí, hạt điều, đậu phộng, hạt chia giúp cung cấp một lượng lớn kẽm cho cơ thể trẻ.

Tóm lại: Kẽm đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người, cho dù kẽm chỉ chiếm khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Vì vậy, việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và cần phát hiện kịp thời các dấu hiệu của thiếu kẽm đúng cách để cơ thể hấp thu tốt nhất.

BS Lê Thị Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuc-pham-nao-giau-kem-bieu-hien-thieu-kem-cua-tre-169250526210247266.htm
Zalo