Thực phẩm handmade: Có đảm bảo an toàn cho người dùng?

Thực phẩm qua chế biến thành các đồ ăn, thức uống như: bánh, mứt, củ kiệu muối, giò chả, xúc xích, lạp xưởng…, nếu gia đình tự làm, tự dùng thì không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, thực phẩm handmade (nhà làm) nếu cung cấp ra thị trường cũng cần đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), sức khỏe cho người tiêu dùng.

Các món ăn “handmade” được giới thiệu khá phổ biến trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Nguồn Internet

Các món ăn “handmade” được giới thiệu khá phổ biến trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Nguồn Internet

Nhà làm để bán

Thực phẩm handmade hiện có xu hướng lên ngôi đối với một số người tiêu dùng ưa chuộng ẩm thực truyền thống, nhưng lại không có thời gian, kỹ năng chế biến, nhất là vào dịp lễ, Tết.

Ngoài ra, một trong những lý do người tiêu dùng ưa chuộng các loại thực phẩm được gắn mác handmade vì nghĩ rằng thực phẩm này được chế biến sạch sẽ, an toàn. Chính vì vậy, nhiều trang mạng xã hội rao bán các loại thực phẩm handmade được nhiều người theo dõi, mua sắm dịp Tết. Chẳng hạn, tài khoản Facebook Thực phẩm Tết nhà mẹ - TH Handmade shop rao bán rất nhiều loại thực phẩm phục vụ Tết như: chả bò, gân bò trộn cóc non, tai heo ngâm chua ngọt, mực xé sợi hấp nước dừa, củ kiệu ngâm chua ngọt, giò bê…

“Thực phẩm handmade cũng tiềm ẩn những mối nguy hại về vệ sinh ATTP do điều kiện chế biến, không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, sản phẩm dễ bị hỏng do bảo quản không tốt…” - chị BÍCH NGỌC (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) bày tỏ.

Chị Hồng Tuyết (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) cho biết, chị chuộng loại thực phẩm handmade vì tin tưởng vào quá trình chế biến, cũng như nguồn gốc các loại nguyên liệu được sử dụng. Tuy nhiên, khi nói về chất lượng an toàn của thực phẩm handmade, chị Tuyết cũng thừa nhận, chủ yếu là tin vào người rao, bán hoặc qua người quen giới thiệu là chính.

Tương tự, chị Bích Ngọc (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết, chị tin tưởng và tiêu dùng loại thực phẩm handmade bởi các ưu điểm như: làm số lượng ít nên nguồn gốc nguyên liệu có sự tuyển chọn; cách làm thủ công; dùng liền trong ngày hay thời gian rất ngắn nên không sử dụng các phụ gia bảo quản…

“Tôi chỉ biết là khi nhận thực phẩm đảm bảo tươi, ngon, sạch, đẹp. Còn quá trình chế biến có đảm bảo vệ sinh hay không thì tôi chịu, vì không nhìn thấy hay tới nhà họ kiểm tra, quan sát” - chị Bích Ngọc bộc bạch.

Cần kiểm soát thực phẩm handmade

Trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều quy định pháp luật để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng như: Luật ATTP sửa đổi năm 2018 và nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn. Theo đó, các quy định pháp luật đều hướng tới việc sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm ra thị trường, cho người tiêu dùng phải đảm bảo về nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe… theo quy chuẩn kỹ thuật từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chế biến, bảo quản, vận chuyển.

Tuy nhiên, với thực phẩm handmade dưới dạng hàng rong, chế biến gia đình thì pháp luật không đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định như các cơ sở, nhà máy chế biến về giấy phép, quy trình, thủ tục an toàn vệ sinh thực phẩm.

Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, người bán thực phẩm handmade hay hàng rong không cần phải đăng ký kinh doanh, cũng như không cần phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tuy vậy, hàng hóa họ bán, cung cấp phải không thuộc hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; không phải là hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật; hàng không bảo đảm chất lượng, bao gồm hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh…

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, tại Điều 14 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi: nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Đặc biệt, tại khoản 7, Điều 1 Nghị định 12/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi: người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lị, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.

“Thực phẩm handmade nếu gia đình tự làm và sử dụng thì tương đối an toàn, vì kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi sản phẩm handmade đem bán cho người tiêu dùng thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng cần chú trọng và kiểm soát ATTP, chứ chữ tín thôi chưa đủ” - luật sư Nguyễn Đức bộc bạch.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202501/thuc-pham-handmade-co-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-dung-54666a0/
Zalo