Học giới trẻ cách biến tấu nhiều loại mứt mới lạ cho dịp Tết

Nếu quá quen với những loại mứt năm nào cũng có, một số biến tấu như mứt vỏ chanh dây, mứt vỏ cam xí muội, mứt dứa viên… mang đến hương vị mới mẻ cho khay mứt dịp Tết Nguyên đán.

Dựa theo sức hút của táo đỏ sấy, nhiều bạn trẻ hào hứng thực hiện mứt táo dẻo từ loại táo vỏ xanh. Vốn có độ giòn khi còn tươi, loại quả này làm mứt sẽ có độ mềm mọng và tiết ra vị ngọt tự nhiên. Đầu tiên, quả táo cần ngâm cùng nước vôi trong, sau đó chần qua nước sôi khoảng 2-3 phút. Rải đường cát vào táo và xốc đều đến khi đường tan hết, đun trên lửa to đến khi táo chuyển màu vàng. Cuối cùng, sấy táo trong lò nướng hoặc phơi nắng đến khi ráo lớp đường bên ngoài. Cách nhận biết mứt táo đạt chuẩn là màu chuyển sang đỏ đậm, lớp vỏ ngoài bóng loáng. Ảnh: Hòa Bùi.

Mứt cà chua bi có độ dẻo cao, ăn ít ngấy bởi vị chua trung hòa với độ ngọt của đường. Để làm loại mứt này, bạn chọn những quả cà chua bi chín đỏ, không dập nát và ngâm nước vôi trong qua đêm. Sau đó, ướp cà chua với đường đến khi tan hoàn toàn. Ở bước này, bạn có thể gia giảm lượng đường để điều chỉnh độ chua. Mứt cà chua bi được sên ở mức lửa liu riu, không sôi mạnh. Khi nước đường cạn, cà chua bi sẽ bắt đầu se lại và lên màu đỏ óng. Nếu thích, bạn có thể lắc thêm muối đường để tăng độ đậm đà. Ảnh: @kibidessert.

Tưởng chừng vỏ bưởi và vỏ quất mới có thể làm mứt, nhưng nhiều bạn trẻ đã sáng tạo thêm mứt vỏ chanh dây để tận dụng vị chua có sẵn. Loại mứt này khi ăn dẻo mềm, tỏa ra mùi thơm đặc trưng và không hăng tinh dầu. Chanh dây làm mứt nên chọn những quả nặng tay, lắc không nghe tiếng. Bước đầu là tách lấy phần thịt, rây qua lược lấy khoảng 20 ml nước cốt. Sau đó gọt mỏng lớp vỏ rám bên ngoài để lấy phần cùi dày, cắt thành miếng dài. Kế tiếp, cho phần cùi chanh dây, đường và phần nước cốt vào chảo, sên với lửa nhỏ đến khi sệt lại. Khi nguội, lớp đường sẽ ngấm hoàn toàn vào cùi chanh dây. Ảnh: Ăn vặt chú Mạnh.

Không chỉ có phần nhìn bắt mắt, mứt dứa viên còn ghi điểm bởi độ ngọt thấp hơn những loại mứt khác. Quả dứa mua về gọt sạch mắt, cắt thành các sợi mỏng, ngắn và vắt hết nước. Sau khi trộn cùng một ít đường, bạn ngâm dứa khoảng 6 tiếng để phần thịt trong hơn. Thông thường, thời gian sên mứt dứa khoảng một tiếng, đến khi kết thành khối đồng nhất. Cuối cùng rây thêm bột bánh dẻo, vo viên và lăn qua vụn dừa sấy khô. Khi ăn, mứt dứa có độ chua ngọt nhẹ, kết hợp với vị béo thơm từ vụn dừa. Ảnh: Ngân Hà.

Mứt rau câu trái cây là phiên bản chống ngán được nhiều bạn trẻ biến tấu từ mứt rau câu truyền thống. Dù vẫn mang hình sợi dài, mứt rau câu trái cây lại có hương thơm và màu tự nhiên từ trái cây. Để chuẩn bị phần rau câu, bạn khuấy đều bột rau câu với nước ép trái cây, ngâm trong 30 phút để tránh sau khi đông thạch bị chảy nước. Sau đó đun khoảng 10 phút ở mức lửa trung bình. Nếu dùng mứt trái cây, bạn chỉ cần khuấy bột rau câu với nước, cho thêm mứt sau khi đun sôi. Đợi rau câu đông lại, bạn dùng dao răng cưa cắt thành thanh dài, xếp vào khay và phơi đến khi nhận thấy mứt rau câu dẻo khô và có lớp đường bám quanh. Ảnh: Trang Lê.

Mứt vỏ cam xí muội được nhiều bạn trẻ ưa chuộng nhờ mùi thơm toát lên từ tinh dầu vỏ cam và xí muội, độ chua ngọt cũng dễ chịu. Vỏ cam gọt bỏ phần cùi trắng, chần qua nước sôi và ngâm vào nước đá lạnh để tăng độ giòn. Sau đó giảm vị đắng bằng cách vắt qua nhiều nước. Đợi chanh ráo bớt nước, tiếp tục trộn đường và sên trên bếp đến khi đường cô đặc. Cuối cùng, lắc đều mứt vỏ cam cùng xí muội dạng bột. Lưu ý bảo quản mứt ở nơi khô ráo, mát mẻ để tránh bị chảy đường. Ảnh: Chip Kitchen, Ăn vặt chú Mạnh.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hoc-gioi-tre-cach-bien-tau-nhieu-loai-mut-moi-la-cho-dip-tet-post1524971.html
Zalo