Thực hư chuyện cá viên chiên, xiên nướng 'ngạo nghễ' ở các lễ hội ẩm thực

Một số chuyên gia du lịch đưa ra ý kiến xoay quanh về vấn đề có quá nhiều gian hàng cá viên chiên, đồ nướng trong sự kiện, lễ hội ẩm thực vùng miền.

Trước đó, Tạp chí Du lịch TP.HCM có đăng bài "Lễ hội ẩm thực vùng miền: Xiên nướng, cá viên chiên có tội tình gì?" đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia về lĩnh vực du lịch.

Nỗi khổ của ban tổ chức

Với kinh nghiệm tham gia tổ chức và kinh doanh tại các sự kiện ẩm thực vùng miền, ông Chiêm Thành Long, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, chia sẻ: "Sự thành bại của một sự kiện ẩm thực phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu mà ban tổ chức đặt ra. Tuy nhiên, ban tổ chức thường phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt khi có nhiều gian hàng không phù hợp với chủ đề đã công bố."

Hầu như các lễ hội ẩm thực, vùng miền đều có cá viên chiên, đồ nướng

Hầu như các lễ hội ẩm thực, vùng miền đều có cá viên chiên, đồ nướng

Theo vị chuyên gia này, ông từng chứng kiến nhiều câu chuyện "trời ơi đất hỡi" tại các sự kiện, lễ hội về ẩm thực vùng miền. Một số chủ gian hàng thiếu ý thức đã không bán mặt hàng mà họ đăng ký trước đó. Họ còn lén lút, dùng mọi chiêu trò để bày bán được những thực phẩm không đúng theo thỏa thuận. "Mặt khác, một số ban tổ chức thiếu kinh phí, khó mời gọi doanh nghiệp thì họ phải buộc cho thuê những gian hàng không đúng chủ đề", ông Long nói thêm.

Có thể nói, xuyên suốt nhiều năm qua, ông Long đã duy trì thành công sự kiện "Ngày hội quê tôi" đi sâu vào ba phần chính: ẩm thực, làng nghề truyền thống và trò chơi dân gian.

Ông Long nhấn mạnh: "Để sự kiện, lễ hội ẩm thực vùng miền thành công thì ngoài có kinh phí thì ban tổ chức cần phải minh bạch, rõ ràng và kiểm soát các gian hàng tại sự kiện. Đồng thời người bán hàng cần có ý thức, chấp hành đúng những quy định trước khi… "nhập cuộc". Đặc biệt phải hiểu được mục đích, ý nghĩa của lễ hội mình làm ra, từ đó xây dựng và mời gọi doanh nghiệp cùng chung chí hướng, có những sản phẩm liên quan đến chủ đề".

Những ngày vừa qua, từ báo chí, trang mạng xã hội đến du khách đã phàn nàn về Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 với chủ đề "Vịnh xanh bừng sáng". Bởi vì, khi họ đến lễ hội này nhưng không thấy… tôm hùm. Trong không gian diễn ra lễ hội chỉ có một gian hàng là bày bán và thực hiện một số món ăn đơn giản từ tôm hùm, còn lại xung quanh toàn là những gian hàng ăn vặt, hội chợ mua sắm và một số món ăn đến từ các địa phương khác.

Cần sự sáng tạo, chuyên nghiệp

Bà Phan Yến Ly, chuyên gia du lịch, thừa nhận tại các sự kiện, lễ hội vùng miền khách hàng rất thích những món ăn vặt hay xiên que. "Điều này sẽ giúp tăng phần kinh tế đến ban tổ chức (nhờ cho thuê gian hàng - PV) và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nếu phần phụ lấn át nội dung chính sẽ xảy ra phản ứng trái chiều từ khách hàng, truyền thông".

Nếu phần phụ lấn át nội dung chính sẽ xảy ra phản ứng trái chiều từ khách hàng, truyền thông

Nếu phần phụ lấn át nội dung chính sẽ xảy ra phản ứng trái chiều từ khách hàng, truyền thông

Lấy điển hình lễ hội cá tra Hồng Ngự, bà Ly nói: "Thú thật, người dân ít biết về cá tra, cho rằng đây là loài rẻ tiền. Nhưng đã tổ chức một lễ hội thì phải cho người dân hiểu hơn về cá tra. Chúng tôi đã bố trí hướng dẫn viên trình bày quá trình hình thành và phát triển của cá tra, nhằm mục đích kích thích sự tìm tòi của du khách, thực khách. Chúng tôi còn sáng tạo, làm ra rất nhiều hoạt động liên quan đến cá tra như: kể chuyện, vẽ tranh thư pháp, thiết kế thời trang có hình cá tra. Đặc biệt, cùng người dân sáng tạo ra đa dạng món ăn về cá tra…", bà Ly kể thêm.

Đa dạng hoạt động tại Lễ hội cá tra

Đa dạng hoạt động tại Lễ hội cá tra

Chế biến nhiều món ăn từ cá tra

Chế biến nhiều món ăn từ cá tra

"Bên cạnh phần lễ trang nghiêm thì phần hội phải tập trung đúng chủ đề rồi sau đó mở rộng ra cho mọi người mua bán ăn, uống thỏa thích. Như thế mới cân bằng mọi thứ, làm nên sự kiện, lễ hội ẩm thực vùng miền thành công", bà Ly nhấn mạnh.

Chuyện các món ăn truyền thống 'lép vế' trong những lễ hội tôn vinh ẩm thực Việt không còn quá xa lạ ở nước ta. Đông đúc, toàn đồ xiên nướng, giá cao, thiếu điểm nhấn... là những đặc điểm chung của các lễ hội ẩm thực Việt. Chính thực trạng đó khiến đặc sản các vùng miền ở nước ta tuy đa dạng, phong phú, độc đáo, nhưng lại không được quảng bá rộng rãi, chỉ mờ nhạt, thiếu sức hút trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, khi tổ chức lễ hội việc lựa chọn các doanh nghiệp tham gia rất quan trọng. "Cần lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng đúng chủ đề, ý nghĩa của sự kiện, lễ hội. Đồng thời, đôi bên phải có ký giấy cam kết rõ ràng. Trong quá trình hoạt động, ban tổ chức phải giám sát chặt chẽ những gian hàng ngay từ đầu họ chuẩn bị bày bán…", ông Hòa nói thêm.

Hà Sang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/thuc-hu-chuyen-ca-vien-chien-xien-nuong-ngao-nghe-o-cac-le-hoi-am-thuc-c8a80065.html
Zalo