Thon thót bên cội đa Đền Bà Kiệu

Đâm trằn trọc bởi vài ông bạn quen than tiếc trên mạng hồi đêm rằng cội đa cao niên bên Đền Bà Kiệu đã bỏ mình trong cơn cuồng phong Yagi.

Sáng sớm mò lên Hồ Gươm. Đấng siêu nhiên mới chỉ bỡn cợt có chút thôi mà khung cảnh hồ Gươm đâm lạ mắt hẳn.

Ồ may quá là may. Gộc đa cổ thụ mé phải Đền Bà vẫn nguyên xi, sừng sững. Nhưng gộc đa bên trái cũng sừng sững xum xuê chả biết là anh hay em đã bị trốc gốc! Khoảng không gian trống hoác phía mặt tiền Đền Ngọc Sơn chỗ mé trái Đền Bà Kiệu như đương vừa tố một sự tang tóc.

Nhà bia Alexandre de Rhodes. Ảnh: Tư liệu

Nhà bia Alexandre de Rhodes. Ảnh: Tư liệu

Hình ảnh gộc đa cổ thụ cỡ ôm của vòng tay bốn người giang rộng đang trốc gốc chình ình thân hình hàng chục mét gây cảm giác sững sờ, khủng khiếp!

Cái gộc đa cổ thụ đương bị trốc gốc kia như thứ vật thiêng thu tụ và ban phát khí lành. Thần phả thần tích Đền Bà rành rẽ từ thế kỷ 17. Cây đa mé trái có trước hay Đền có trước? Chả dám và cũng chả ai làm cái việc minh định.

Như một sự đăng đối huyền diệu nghiêm cẩn, tín ngưỡng muôn đời của người Việt ngoài thờ Phật còn có thờ Mẫu. Đền Bà Kiệu biểu tượng thờ Đạo Mẫu thì bên cạnh có ngôi chùa Báo Ân thờ Phật! Ngôi chùa Báo Ân còn có tên là Liên Trì đồ sộ linh thiêng gồm 180 gian và 36 nóc trên cái nền Nhà Bưu điện bờ Hồ kia. Chùa Báo Ân bị phá từ cuối thế kỷ XIX chỉ còn trơ khắc lẻ loi vô duyên cái tháp Hòa Phong. May mà ngôi đền Bà Kiệu linh thiêng được sống sót… Thiếu đi một vế đối tâm linh đành chịu vậy. May cái Đền Bà thời tao loạn cũng như yên hàn, bốn mùa đều xôm tụ hương khói.

Cái gộc đa cổ thụ đương bị trốc gốc kia như thứ vật thiêng thu tụ và ban phát khí lành. Thần phả thần tích Đền Bà rành rẽ từ thế kỷ 17. Cây đa mé trái có trước hay Đền có trước? Chả dám và cũng chả ai làm cái việc minh định. Chỉ biết hàng bao đời hai vật linh ấy đã tồn tại đã đăng đối và bện quện rồi. Cây cũng là một phần di tích mà.

Cụ Nguyễn Văn Tố (phải) trong ngày khánh thành nhà bia.

Cụ Nguyễn Văn Tố (phải) trong ngày khánh thành nhà bia.

Không chỉ có Đền Bà. Nương nhờ phúc ấm, khí lành của giống thụ mộc kia còn có một vật linh khác. Đó là nhà bia Alexandre de Rhodes. Hẳn người nước Nam còn nằm lòng công lao của người sáng chế ra thứ chữ mà dân ta quen dùng trước nay. Việc chế tác chữ Quốc ngữ là công trình tập thể của nhiều linh mục dòng Tên người châu Âu trong đó nổi bật vai trò của Alexandre de Rhodes.

Người khởi xướng và đứng ra dựng bia là nhân sĩ Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Cụ người làng Đông Thành (nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm). Học trường Thông ngôn của Pháp, ra trường cụ làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1938, cùng một số trí thức, cụ lập ra Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ tạo nên một phong trào học chữ quốc ngữ rộng khắp trong cả nước. Năm 1945, cụ được cử làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ bị Pháp bắn chết trong cuộc nhảy dù xuống Bắc Cạn năm 1947.

Ý tưởng cùng thông điệp của cụ Nguyễn Văn Tố như tiếp nối mạch nhân văn, ngay thẳng của dân Việt mình. Thời kỳ Bắc thuộc có ông Sĩ Nhiếp, một người tàu, một ông quan Tàu chính hiệu. Nhưng viên thái thú Giao Chỉ được cử trị nhậm phương Nam đã có công truyền bá chữ viết (chữ Hán) cho dân Đại Việt. Dân ta nhớ ơn ấy đã suy tôn là Nam Giao học Tổ (ông Tổ học nước Nam) gọi là Sĩ Vương và dân lập đền thờ. Câu ca dao “Thương dân dân lập đền thờ/ Hại dân dân đái ngập mồ thấu xương” có lẽ ra đời từ thời điểm ấy? Nhà bia Alexandre de Rhodes, ghi cái công mang chữ Quốc ngữ cho người Việt lại cũng chả vui sao?

Vẫn theo sáng kiến của cụ Nguyễn Văn Tố, nhà bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes được dựng cạnh đền Bà Kiệu. Nhà bia là một phương đình, bốn mái theo kiểu kiến trúc Phương Đông, trên nền xi măng gấp khúc 12 cạnh, có 3 lối lên 5 bậc. Bên trong nhà bia dựng tấm bia đá cao 1,70m, rộng 1,10m, dày 0,20m, đế bia cao 50cm. Trên mặt bia ghi tóm lược cuộc hành trình truyền giáo và công lao của ông trong việc chế tác chữ Quốc ngữ, được khắc bằng ba thứ ngôn ngữ: Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp.

Tư thế đau đớn của cụ đa.

Tư thế đau đớn của cụ đa.

Trong văn bia có đoạn: “Người soạn ra nhiều truyện ký đều diễn dịch ra mấy thứ tiếng, và người soạn ra quyển sách Bổn và quyển Tự vị tiếng Việt Nam, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La tinh là những sách bằng tiếng Việt Nam dịch âm theo chữ La tinh xuất bản trước tiên nên tên người cũng được lưu truyền với cái công nghiệp phát minh ra chữ Quốc ngữ”.

“...Khi phải rời bỏ xứ Việt Nam, người lấy làm tiếc nên có nói: Phần xác ta rời bỏ đất Nam với đất Bắc nhưng thực lòng ta vẫn quyến luyến, nói cho đúng, vẫn bàng hoàng với cả hai nơi và ta chắc rằng không bao giờ lòng ta lại quên hai xứ ấy”.

Nhà bia Alexandre de Rhodes khánh thành vào 5h chiều ngày 29/5/1941.

Bao thế hệ người Hà thành cũng như du khách đã quen với một không gian Hồ Gươm, có nhà bia Alexandre de Rhode bện quện minh triết trong âm hưởng thanh bình- Hòa bình (vua Lê trả gươm) với không gian Văn hóa (Nguyễn Siêu dựng Tháp Bút) và Hữu nghị (bia Alexandre de Rhode, người có công trong chế tác chữ Quốc ngữ).

Nhà bia ấy nay không còn nữa. Công trình ơn nghĩa ấy thoắt biến mất vào cái đêm của thời ấu trĩ nông nổi bài trừ mê tín.

Đêm ngày 9/10/1984, người ta phá tan tành nhà bia Alexandre de Rhodes. Chưa hết, đám người ấy còn dùng cần cẩu cẩu tấm bia ra mé ngoài đê sông Hồng.

Phạm vi của bài viết không kê biên hết những chuyện buồn và lạ. Chỉ biết tấm bia linh thiêng ấy như thứ châu về Hợp phố được nhà sử học Dương Trung Quốc đưa về kho của một cơ quan văn hóa và đang được bảo quản như nào. Chuyện xin được chép sau!

Một thời gian dài, trên cái nền nhà bia trống huơ trống hoác ấy may mắn đã kịp thời quần tụ nhóm tượng đài bê tông có tên “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như bây giờ du khách vẫn thường thưởng lãm mỗi dịp tham quan Hồ Gươm.

Xin trở lại với cụ đa cao niên đương trốc gốc, sõng soài kia. Lúc này, quanh cụ thụ mộc như đang thiêm thiếp, hấp hối có bao nhiêu là những cung bậc chuyện trò, hỏi han, lo lắng? Rằng rạp, ườn ra thế kia liệu cụ có hồi lại được không? Người thì bảo giống đa mấy trăm tuổi mà trốc gốc thế kia thì khó vượng lại! Lại thêm mấy ông đương nháo nhác hỏi có người của Công ty công viên có đây không? Sao trước bão không cho chặt bớt cành để giảm tải sức gió?

Rằng là phải dùng xe cẩu dựng cụ lên rồi điều hàng chục xe tải đất màu bồi trúc vào gốc? Nhưng ngay tức khắc có người vặc lại rằng xe nào để nâng nhấc trọng lượng thụ mộc vài trăm tấn kia? Cứ cho là nâng kéo lên được đi nhưng với loại đa non non còn hồi được chứ bộ rễ bao quanh hằng trăm nhánh kia thì xử lý ra làm sao?

Có lẽ xin kính chuyển các lương y của Công ty công viên mau chóng kịp thời xử lý ca khó này. Cũng kính cầu Đức Mẫu, Đức Bà linh thiêng phù hộ cho cụ hồi sinh. Chí ít cố qua dịp Thủ đô 70 niên!

Nói dại mồm nếu cụ có mệnh hệ gì thì may cho linh khí Đền Bà vẫn còn sừng sững cụ đa mé phải Đền!

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thon-thot-ben-coi-da-den-ba-kieu-post1671858.tpo
Zalo