Nỗi niềm của nữ họa sĩ vẽ khỏa thân chính mình

Sophie Trịnh vừa có cuộc triển lãm tranh khỏa thân đầu tiên tại Hà Nội sau 6 năm chuẩn bị. Chị là người tiên phong triển lãm tranh nude mà người mẫu là chính mình.

Lời tòa soạn

Tranh khỏa thân luôn có sự cuốn hút riêng với cả giới họa sĩ lẫn người thưởng lãm trong nhiều thế kỷ, nó đã xuất hiện ở nhiều trường phái, là một trong những chủ đề lớn của hội họa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khó khăn trong công tác quản lý, cấp phép, định kiến của công chúng, sự khác biệt văn hóa... là những lý do khiến loại hình nghệ thuật này vẫn quẩn quanh trong bóng tối. VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài nêu lên ý kiến của những người trong cuộc với góc nhìn đa chiều về thực trạng, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.

Sophie Trịnh sinh năm 1988, có tên Việt Nam khác là Thu Phương. Chị quan niệm khi vẽ tranh, điều quan trọng nhất là sự kiên trì và bản lĩnh.

"Được mọi người ủng hộ hay không cũng không quan trọng, quan trọng là tôi cảm thấy bình yên trong những bức tranh của mình, được thủ thỉ nói chuyện, được lắng nghe bản thân để vẽ ra những gì trong cơ thể mình", nữ họa sĩ chia sẻ.

Sophie Trịnh bên tác phẩm nude vẽ chính mình. Ảnh: NVCC

Sophie Trịnh bên tác phẩm nude vẽ chính mình. Ảnh: NVCC

VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với nữ họa sĩ sinh năm 1988 về góc khuất phía sau những bức tranh khỏa thân của chính mình.

- Lý do nào khiến chị chọn theo đuổi dòng tranh khỏa thân mà nguyên mẫu sáng tác lại chính là mình?

Từ nhỏ tôi đã yêu thích nghệ thuật và mong muốn làm cả họa sĩ lẫn cô giáo. Tôi có vài năm tham gia giảng dạy mỹ thuật cho nhiều đối tượng học sinh. Thời gian đó, tôi vừa đi dạy, vừa tranh thủ vẽ tranh ở nhà. Tình yêu với hội họa được tôi thai nghén nhiều năm. Sau này, tình yêu với người cha và cả sự mất mát trong chuyện tình cảm cũng được tôi đưa hết vào các tác phẩm của mình.

Tôi chọn tranh khỏa thân vì bản thân cũng thích vẻ đẹp của cơ thể. Tôi rất yêu người bạn đời của mình nhưng người ấy lại không hiểu tôi. Hay nói cách khác là vì không biết cách yêu nên không thể chạm vào nhau. Người đàn ông của tôi biết rằng tranh khỏa thân cũng là nghệ thuật nhưng lại chưa hiểu được giá trị của bản thân tôi, chưa hiểu được mong muốn của bạn đời cũng như ngôn ngữ tình yêu của tôi. Với tôi, yêu là sự quan tâm, sự thấu hiểu, cùng chung một lý tưởng nào đó.

Tôi là một họa sĩ, có lối suy nghĩ khá nội tâm nên nếu sống cùng một người không giống mình, không thấu hiểu giống như yêu nhưng không thể nào chạm được vào nhau, trái tim luôn cảm thấy vỡ vụn. Chị hỏi tôi về kết cục mối quan hệ đó cuối cùng thế nào nhưng vì đây là chuyện riêng nên chưa muốn chia sẻ.

Các bức tranh khỏa thân trong triển lãm của Sophie Trịnh ở Hà Nội. Ảnh: BTC

Các bức tranh khỏa thân trong triển lãm của Sophie Trịnh ở Hà Nội. Ảnh: BTC

- Người đàn ông của Sophie Trịnh có bao giờ thắc mắc vì sao chị lại chọn tranh khỏa thân mà không phải mảng đề tài khác?

Không! Bạn ấy không thắc mắc vì hiểu công việc của tôi. Trước đây khi chưa kết hôn, bạn ấy từng chứng kiến tôi vẽ khỏa thân cơ thể nam và nữ rất nhiều bởi lúc đó tôi là sinh viên mỹ thuật. Từ nhỏ, bố đã gửi tôi theo học những thầy rất chuyên nghiệp và tôi vẽ mẫu khỏa thân khá sớm. Bố mẹ tôi cũng chưa từng định kiến với vẽ khỏa thân vì hiểu đó là nghệ thuật. Tôi luôn được giáo dục rằng nghệ thuật là nghệ thuật, khêu gợi là khêu gợi. Nếu nghệ thuật là chính thống thì không có gì phải e ngại.

- Chị có gặp khó khăn gì khi xin giấy phép cho triển lãm tranh khỏa thân đầu tiên? Có bức tranh nào của chị không được phép trưng bày, bởi trước nay các triển lãm về tranh khỏa thân như "Lớp lang cảm xúc" không nhiều?

Trước khi vẽ tranh khỏa thân, tôi chưa từng nghĩ đến những điều chị nói. Sau khi hoàn thành tôi mới nghe một số người bạn nói rằng chủ đề này nhạy cảm vô cùng, có thể bị cấm triển lãm. Nhưng tôi nghĩ mình đang làm nghệ thuật chân chính, thay vì hoang mang cứ triển lãm ở nơi chính thống nhất chính là Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam xem thế nào. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khen các bức tranh của tôi và nói hiếm có phụ nữ nào dám sống với chính mình như vậy, dám show ra những ngóc ngách cuộc đời trong tranh như vậy. Do vậy, tất cả các bức tranh của tôi đều được cấp phép triển lãm.

Sophie Trịnh tại sự kiện khai mạc triển lãm nude đầu tay cuối tháng 8 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Sophie Trịnh tại sự kiện khai mạc triển lãm nude đầu tay cuối tháng 8 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

- Từ trước đến nay tranh khỏa thân thường là họa sĩ vẽ người khác nhưng riêng chị lại vẽ chính mình. Người ta sẽ nghĩ tới hai khả năng, một là chị mời mẫu quá khó, hai là chị quá yêu bản thân. Vậy lý do thực sự là gì?

Nếu vẽ một ai đó tôi phải hiểu họ. Tôi phải cảm hóa bản thân mình vào trái tim của họ, phải thấy được nội tâm tuyệt vời của họ. Chỉ khi đó tôi mới có sự rung động để vẽ. Nhưng rất tiếc là chưa có một phụ nữ nào nói chuyện mà khiến tôi có thể chạm vào họ như vậy. Tôi từng thử nhưng không làm được. Vì vậy, tôi nghĩ rằng lấy cảm xúc về bản thân sẽ tốt hơn. Tôi cũng từng làm người mẫu, làm diễn viên nên tự tin rằng có thể làm mẫu cho chính mình.

Tôi thấy những bức tranh khỏa thân có thể giúp show ra ngôn ngữ cơ thể mình. Cách tôi tạo dáng trong tranh cũng là một thứ ngôn ngữ. Tại sao những bức tranh này có cảm xúc, nhìn vào ai cũng hiểu vì nó có ngôn ngữ cơ thể là vì cô gái trong tranh dù ở tư thế ra sao thì vẫn mang dáng vẻ thanh lịch.

Sophie Trịnh tự làm mẫu cho các bức tranh nude của mình. Ảnh: BTC

Sophie Trịnh tự làm mẫu cho các bức tranh nude của mình. Ảnh: BTC

- Nhiều người tò mò muốn biết chị vẽ cơ thể mình bằng cách nào? Có thể hiểu chị tự chụp ảnh trong các tư thế khỏa thân khác nhau rồi vẽ lại trên toan vải?

Tôi có máy ảnh chuyên nghiệp và dùng cả điện thoại thông minh để chụp. Tôi dựng cả studio với hệ thống đèn riêng để hắt bóng, tạo khối, ánh sáng... Vì thế, tranh của tôi có cả ngôn ngữ điện ảnh cũng như ngữ điệu của nhiếp ảnh. Ảnh chỉ đơn giản là chớp khoảnh khắc nhưng vẽ lại chứa cả nội tâm của mình trong đó. Do vậy, việc vẽ lại hình ảnh chụp không phải chép từ ảnh sang tranh mà cần có thêm sự sáng tạo.

- Có khi nào chị rơi vào tình trạng vẽ dang dở nhưng không ưng ý đến mức phải hủy tranh?

Có những bức nếu không ưng tôi xóa luôn chứ không cố vẽ nốt để bán lấy tiền. Có toan vẽ rồi nhưng tôi sợ bị lạc ra ngoài, biết đâu ai đó biết phong cách của tôi rồi mang về treo thì không ổn. Tôi là người cầu toàn nên nếu vẽ mà chưa ưng ý sẽ không bằng mọi cách giữ lại.

- Chị có ý định giữ riêng những bức tranh này cho mình hay sẽ bán nếu có ai hỏi mua?

Tôi đã bán tranh nhưng chưa bán bức nào trong series khỏa thân. Tuy nhiên, nếu ai đó thực sự yêu thương nó tôi vẫn bán. Những bức tranh này dù vẽ bản thân tôi, song mọi người vẫn thấy mình trong đó.

Mời độc giả đón đọc bài 4: Nên có một ‘cuộc cách mạng’ về tranh khỏa thân

Mỹ Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/noi-niem-kho-noi-cua-nu-hoa-si-tu-chup-anh-khoa-than-va-ve-chinh-minh-2315477.html
Zalo