Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông

Sáng 12/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý II, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì tại điểm cầu chính Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì tại điểm cầu chính Hà Nội.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh 2 điểm.

Thứ nhất, GDP cả nước tăng hơn 6% là con số kỷ lục, xếp thứ hạng cao trên thế giới. Kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu vận tải và đi lại của người dân tiếp tục gia tăng cũng đồng thời gây áp lực lớn tới công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Thứ hai, Quốc hội vừa thông qua Luật Trật tự, ATGT đường bộ và Luật Đường bộ. Đây là hành lang pháp lý mới, các bộ, ngành và địa phương phải thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, đề ra giải pháp để 6 tháng còn lại của năm làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm trật tự ATGT trên cả nước, coi đây là món quà ý nghĩa dành tặng người dân dịp Tết Nguyên đán 2025.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ (+15,58%), giảm 634 người chết (-10,61%), tăng 2.426 người bị thương (+34%).

Đặc biệt số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn giảm sâu. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe đã được xử lý một cách căn bản.

Có được kết quả này là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao và sự vào cuộc nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT.

Bộ Công an đã tham mưu và chỉ đạo lực lượng công an các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trọng tâm là: Tham mưu hoàn thiện thể chế pháp lý; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều kế hoạch lớn chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả trong các dịp lễ, Tết. Các địa phương ngày càng vào cuộc sâu sát và hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT…

 Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên toàn quốc còn xảy ra 9 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Số vụ và số người bị thương tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 15,58% số vụ, tăng 34% số người bị thương). Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra.

Đáng chú ý là hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự ATGT gia tăng. Cả nước xảy ra 78 vụ, làm 27 đồng chí bị thương, tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Phân tích nguyên nhân, các đại biểu tham luận cho rằng do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao. Vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm trật tự ATGT còn bất cập.

Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự ATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục "điểm đen”, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu về các vấn đề nổi cộm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương có tình hình TNGT diễn biến phức tạp, tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024.

Phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông kết hợp với cao điểm tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông, tập trung vào đối tượng là phụ huynh và học sinh trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông với chủ đề “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”; tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe; chở hàng hóa quá tải trọng quy định của phương tiện…

Đối với các tỉnh, TP có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, từng lĩnh vực, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Đồng thời, đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT vào cuộc giao ban hằng tháng của các cấp ủy, HĐND, UBND các cấp để phân tích, kiểm điểm và đề xuất giải pháp hiệu quả trên địa bàn.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Mặc dù số người chết do TNGT 6 tháng qua có giảm, nhưng số vụ tai nạn và số người bị thương lại gia tăng. Đây là một trong những gánh nặng lớn cho gia đình có người bị thương và xã hội. Các vụ chống người thi hành công vụ gia tăng đòi hỏi lực lượng chức năng phải có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nữa.

Để kiềm chế tai nạn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính. Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, quản lý lòng lề đường, hành lang giao thông; quản lý tốt phương tiện, ngăn ngừa các lỗi vi phạm là nguyên nhân xảy ra tai nạn; quan tâm ưu tiên kinh phí đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng lưu ý lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, tăng tính răn đe. Cảnh sát giao thông thực hiện nghiêm quy định xử lý vi phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera phạt nguội. Chủ động quy định một số mức phạt theo phân cấp. Quản lý tốt phương tiện tham gia giao thông.

Đồng chí lưu ý các địa phương có những chỉ số chưa tích cực về công tác bảo đảm trật tự ATGT cần quan tâm, quyết liệt hơn nữa. Các cơ quan truyền thông phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền để góp phần làm chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông. Nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay như tỉnh Bắc Ninh đang triển khai.

Tăng cường ứng dụng, sử dụng công nghệ số trong công tác bảo đảm trật tự ATGT như: Phạt nguội qua camera, tích hợp giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID...

Phó Thủ tướng gợi ý trên cơ sở pháp luật cho phép, Ủy ban ATGT Quốc gia nghiên cứu mua thông tin từ các camera gắn trên các phương tiện lưu thông trên đường, làm cơ sở để lực lượng chức năng giám sát, xử lý vi phạm, qua đó tăng cường công tác răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung đối với tất cả mọi người.

Tin, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-quyet-liet-dong-bo-cac-giai-phap-de-keo-giam-tai-nan-giao-thong-140841.bbg
Zalo