Thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội

Tham gia các lễ hội mùa xuân đã trở thành nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam và mang đậm ý nghĩa nhân văn, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tưởng nhớ tổ tiên, các bậc anh hùng có công dựng nước và giữ nước, mong muốn khởi đầu một năm mới nhiều thuận lợi… Nhiều năm gần đây, công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, giữ gìn và phát huy được truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Biểu diễn lân sư rồng tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần.

Biểu diễn lân sư rồng tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần.

Ngày 3/2/2025, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 09/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Thực hiện chỉ đạo, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm. Các ban tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã bám sát quy chế hoạt động, nội quy bảo vệ di tích, tổ chức hướng dẫn nhân dân, khách tham quan và hành lễ nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích, cảnh quan, môi trường; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; giữ gìn sự trang nghiêm, linh thiêng nơi thờ tự, đẩy lùi những bất cập, tiêu cực, hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục như việc thắp hương, đốt vàng mã tràn lan, đặt quá nhiều hòm công đức, thương mại hóa lễ hội, bày bán lộn xộn và tự ý nâng giá các mặt hàng…

Ngay từ những ngày đầu năm mới, tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) đã đón đông đảo người dân và du khách thập phương về cầu bình an. Đặc biệt, vào đêm 11/2 (tức 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), đã có hàng nghìn du khách về tham gia Lễ Khai ấn Đền Trần. Lễ khai ấn là một tục lệ có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với các vị Vua nhà Trần bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính - ban dấu ấn tín. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại khu vực tổ chức lễ hội đến việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... Hệ thống loa truyền thanh tại khu vực lễ hội thường xuyên tuyên truyền các quy định pháp luật có liên quan đến công tác tổ chức, quản lý lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của du khách khi tham dự lễ hội. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2025 được tổ chức trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, đầy đủ nghi lễ truyền thống, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, nếp sống văn minh, văn hóa. Người dân tham gia cũng đã thực hiện tốt văn minh lễ hội, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, ghi dấu ấn tốt đẹp về tỉnh nhà đối với du khách thập phương.

Không chỉ những lễ hội lớn như Đền Trần, Phủ Dầy… tại các lễ hội ở các địa phương trong tỉnh, việc thực hiện nếp sống văn minh cũng được chỉ đạo triển khai thực hiện tốt. Toàn huyện Nam Trực có hơn 20 lễ hội được tổ chức từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, tập trung ở các xã: Nam Điền, Hồng Quang, Nam Hùng, Tân Thịnh, Nam Dương, thị trấn Nam Giang… Các lễ hội diễn ra đa dạng, phong phú, là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. UBND huyện cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành các hoạt động rà soát, đánh giá tình trạng của từng loại lễ hội, trên cơ sở đó phân công, bố trí, sắp xếp các bộ phận, lực lượng tham gia nâng cấp, tu bổ lại cho khang trang, sạch đẹp, vừa giữ được nét đẹp truyền thống, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ của từng loại lễ hội. Có mặt tại Lễ hội truyền thống làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê năm 2025, chúng tôi chứng kiến không khí vui tươi, phấn khởi của người dân khi chiêm ngưỡng những tác phẩm sinh vật cảnh nghệ thuật đặc sắc. Lễ hội được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm, nhằm tôn vinh ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh Tô Trung Tự và trưng bày các tác phẩm cây cảnh của các nghệ nhân tại địa phương, để cùng tham quan, đánh giá, học hỏi kinh nghiệm. Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lễ hội được địa phương, cộng đồng dân cư tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ truyền thống. Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ gồm các nghi lễ: tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa - cây cảnh tiêu biểu về đình làng, dâng hương ông tổ làng nghề. Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loài hoa quý, những cây cảnh độc đáo, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như: cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co… Lễ hội còn hấp dẫn, sôi động với cuộc thi tay nghề tạo thế cây cảnh, thi hoa cây cảnh nhằm bình chọn ra những tác phẩm đẹp nhất để trao giải thưởng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đông đảo người dân và du khách dự hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Ý thức chấp hành nội quy, quy chế, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự của một số du khách chưa cao, vẫn còn tình trạng ăn mặc tùy tiện, phản cảm, thiếu văn hóa khi đi lễ hội. Hiện tượng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường còn khá phổ biến tại các lễ hội... Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng tự nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm để các lễ hội diễn ra ngày càng văn minh hơn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội tạo dấu ấn đẹp với du khách, thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/thuc-hien-nep-song-van-minhtrong-cac-le-hoi-dae5838/
Zalo